Chóng mặt với giá vé xe Tết

Càng gần Tết Nguyên đán, giá vé xe từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc càng biến động mạnh. Tại bến xe như Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh), tình trạng hành khách chen lấn mua vé đã xuất hiện trong nhiều ngày vừa qua. Còn tại Hà Nội, các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường xử lý các doanh nghiệp vi phạm về niêm yết giá vé, thu giá không đúng quy định...


Giá vé “xe dù” tăng chóng mặt


Những ngày qua, phóng viên báo Tin Tức liên hệ với các nhà xe A.T, S.T, Đ.N... trên đường Võ Thành Trang, Hồng Lạc, Đồng Đen (quận Tân Bình) - TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu giá vé xe Tết. Tại nhà xe Đ.N, khi hỏi vé đi Huế vào ngày 28/1/2014, nhân viên bán vé cho biết xe ghế ngồi không kèm bữa phụ giá 1,3 triệu đồng/vé. Trước đó, trong tháng 12/2013, nhà xe này bán vé xe giường nằm đi Huế vào ngày 28/1/2014 chỉ 1,2 triệu đồng/vé và giá vé ghế ngồi là 900.000 đồng/vé...

 

Hành khách tại bến xe dù Hùng Cường. Ảnh: Anh Đức


Khi được hỏi tại sao giá tăng lên quá nhanh, nhân viên này phán: “Từ đầu tháng 1 giá vé đã bắt đầu tăng. Nếu không lấy vé luôn, thì sát Tết giá vé còn tăng nữa, mà cũng chưa chắc còn để bán”.


Tìm hiểu khu vực “bến cóc” trên trục đường Phạm Ngũ Lão (quận 1), nhà xe L.H còn bán vé xe giường nằm đi Huế lên đến 1,6 triệu đồng/vé, không kèm bữa phụ. Nhân viên của nhà xe này cho biết: “Bây giờ đang vào mùa cao điểm nên các nhà xe sẽ hét giá rất cao. Ví dụ như: Vé đi Nha Trang ngày thường, xe giường nằm chất lượng cao chỉ có 216.000 đồng/vé, nhưng hiện tăng lên đến 550.000 đồng/vé. Nhà xe nào cũng tranh thủ tăng giá vé. Có nhu cầu đi lại thì hành khách phải cố mà mua sớm chứ càng cận Tết thì giá vé càng cao...”.


Còn tại các nhà xe khác ở các khu vực quận Tân Bình, quận 10, giá vé đi các tỉnh Quảng Ngãi, Đà Nẵng có giá từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/vé ghế ngồi, tăng từ 500.000 - 600.000 đồng/vé so với những ngày cuối tháng 12/2013 và tăng gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. Như vậy, giá vé dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Ngọ của các nhà xe này đã tăng cao hơn tới 200%.

 

Chiều 17/1, tại bến xe miền Tây (TP Hồ Chí Minh), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAMCO) đã tổ chức lễ xuất quân phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, bức xúc: Vé xe trong bến để phục vụ người dân không thiếu, hơn nữa giá được niêm yết rõ ràng, không tăng vô tội vạ, nhưng do tâm lý “tiện đâu mua đó” mà nhiều người phải chịu thiệt mua vé giá cao.


Trong khi đó, những ngày qua tại Bến xe Miền Đông, mỗi ngày có đến hàng ngàn lượt hành khách xếp hàng để mua vé tại các quầy vé, do giá vé đi Nha Trang, Đà Nẵng của các hãng xe trong bến rẻ hơn khá nhiều. Cụ thể, giá vé tuyến Sài Gòn - Nha Trang có 3 mức: Từ ngày 17 - 20/1 giá 240.000 đồng/vé, từ ngày 20 - 21/1 giá 265.000 đồng/vé, từ ngày 24 - 30/1 giá 285.000 đồng/vé. Giá vé tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng từ 17 - 30/1 dao động từ 425.000 - 460.000 đồng/vé, tăng 20% so với ngày thường.


Tất cả những nhà xe có thương hiệu đăng ký hoạt động trong Bến xe Miền Đông đều thực hiện đúng quy định nên hành khách tuy phải xếp hàng chờ đợi nhưng việc bán vé thuận lợi, trật tự.


Tuy nhiên, tại các quầy bán vé ủy thác trong Bến xe Miền Đông vẫn đìu hiu, do nhiều hành khách phàn nàn về tình trạng chạy lòng vòng, nhồi nhét, bắt khách dọc đường của một số nhà xe đăng ký bán vé ủy thác. Được biết, từ năm 2007, Bến xe Miền Đông đã bắt đầu bán vé ủy thác. Thời điểm đó, vé ủy thác bán được 70% và 30% còn lại là do các nhà xe tự bán. Nhưng hiện nay thì ngược lại”, ông Thượng Thanh Hải cho biết.


Hà Nội có “lệnh” cấm tăng giá vé xe


TP Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc gửi các Sở Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải, Công an thành phố, Cục Thuế, các quận, huyện, Tổng Công ty vận tải... yêu cầu các đơn vị phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, việc thực hiện kê khai, niêm yết giá, in và phát hành vé xe vận tải hành khách theo quy định, nhằm thực hiện bình ổn giá vé hành khách đi xe nhân dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân Giáp Ngọ 2014.


Theo đó, trong dịp cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nếu doanh nghiệp vận tải hành khách nào vi phạm về niêm yết giá vé vận tải, thu giá không đúng quy định... nếu bị phát hiện sẽ bị công bố công khai trên các phương tiện truyền thông báo chí.


Đến thời điểm này, đã có hàng loạt doanh nghiệp vận tải đăng ký hoạt động tại các bến xe lớn của Hà Nội thông báo tăng giá cước vận tải từ ngày 15/1 đến hết ngày 15/2/2014. Mức tăng cao nhất là doanh nghiệp vận tải Hải Vân chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, với mức đề nghị tăng từ 380.000 đồng lên 610.000 đồng/vé; doanh nghiệp Đức Lượng chạy các tuyến Hà Nội - Thịnh Long, Hà Nội - Hải Hậu, Hà Nội - Trực Ninh (Nam Định) tăng vé từ 70.000 đồng lên 110.000 đồng/vé; doanh nghiệp vận tải Bình Minh chạy chuyến Hà Nội - Vinh, Đô Lương tăng từ 200.000 đồng lên 320.000 đồng/vé...


Tuy nhiên, tại 6 bến xe lớn của thành phố, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị vận tải và các đơn vị khai thác bến xe niêm yết giá vé công khai tại các bến xe và trên các phương tiện theo quy định; đồng thời có kế hoạch giảm giá vé cho các đối tượng ưu tiên, người cao tuổi... Ngoài ra, liên ngành Giao thông vận tải - Công an thành phố sẽ thường xuyên cập nhật, công khai tại các bến xe những doanh nghiệp vi phạm để người dân được biết.


Anh Đức - Tiến Hiếu

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN