Chợ tem hè phố Triệu Việt Vương

Là chợ nhưng không ồn ào náo nhiệt, người đến chợ không phải chỉ để mua và bán, đôi khi họ đến để thỏa nỗi đam mê; đó là chợ tem vỉa hè tại phố Triệu Việt Vương, Hà Nội.


Mỗi tuần một phiên


Chắc chưa từng có chợ nào đặc biệt như chợ tem này. Đôi ba chiếc bàn nhỏ, dăm chục chiếc ghế con, người bán, kẻ mua cùng nhau chậm rãi và khoan thai nhâm nhi từng chén trà, bình phẩm từng con tem. Chẳng cần quy định, chẳng cần biển quảng cáo, cứ 9 giờ sáng chủ nhật hàng tuần, những người yêu tem lại có mặt tại chợ tem trên góc vỉa hè trên đường Triệu Việt Vương.


Cứ 9 giờ sáng chủ nhật hằng tuần, chợ tem lại họp trên vỉa hè phố Triệu Việt Vương.


Ông Phạm Hào, người “sáng lập” ra chợ tem này và cũng là nhà sưu tập tem có tiếng ở Hà Nội cho biết: “Ban đầu, anh em mê tem lấy đây là nơi để giao lưu. Dần dần, giới chơi tem khắp nơi về đây trao đổi, mua bán rồi thành chợ tự lúc nào”.


Tem bán ở chợ này gài thành từng quyển ghi sẵn mức giá. Người chơi tem thường phân thành tem “chết” và tem “sống”. Tem “chết” là những tem thư đã đóng dấu hay bị hủy, không còn giá trị thanh toán bưu chính, còn tem “sống” là những tem còn giá trị lưu hành. Tuy nhiên, người sành chơi thường sưu tầm tem “chết”và tem càng lâu năm càng có giá trị, còn tem “sống” thì ít người sưu tầm.


Tem được bày bán tại chợ.


Tùy vào giá trị lịch sử và dấu ấn văn hóa thể hiện trên từng con tem, mà giá của mỗi con tem cũng khác nhau. Những tem lẻ có dấu nhật ấn, giá chỉ vài nghìn một chiếc, tem đã dán phong bì và qua sử dụng giá cao hơn, tầm 10.000 – 20.000 đồng/chiếc. Còn những tem vẫn được giữ nguyên trên phong bì có dấu gửi đi, gửi đến và địa chỉ người gửi thì giá lên đến vài trăm nghìn một chiếc. Có những con tem còn có giá lên tới hàng triệu đồng.


“Vào mỗi thời điểm lại có một “cơn sốt” về một loại tem. Hiện nay, bộ tem Việt Nam đắt nhất trên thị trường tem chơi là bộ 4 mẫu tem sống “Anh hùng Mạc Thị Bưởi” phát hành năm 1956 có giá khoảng 10 triệu đồng. Bộ tem này có giá cao vì chính bản thân 4 mẫu tem đã có mệnh giá cao gấp nhiều lần những mẫu tem đương thời, mỗi chiếc tem có mệnh giá từ 1.000- 5.000 đồng, trọn bộ tem có mệnh giá 12.000 đồng, trong khi những con tem gửi thư cùng thời chỉ có mệnh giá từ 5 - 100 đồng. Do loại tem này có mệnh giá đắt so với cùng thời nên được ít người lưu trữ. Trên thị trường tem chơi, bộ tem Mạc Thị Bưởi dù là tem “chết” cũng có giá trên 1 triệu đồng”, nhà sưu tập Trần Vương Việt (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tem Thủ đô) - một trong những người thường xuyên đến chợ tem - chia sẻ.


“Trao đổi” đam mê


Với thâm niên hơn 30 năm chơi tem, ông Hào cho biết: “Mỗi con tem ẩn chứa một câu chuyện lịch sử và mang ý nghĩa riêng, vì vậy nhất định phải hiểu thì mới theo được thú chơi này”. Với từng con tem, ông Hào có thể kể hoàn cảnh lịch sử khi con tem ra đời, có thể lý giải ý nghĩa từng hình ảnh được in trên tem.


Một khách hàng đang chọn tem.


Người chơi tem ai cũng biết đến ông Lê Đức Vân, nguyên Chủ tịch Hội Tem Hà Nội, người sở hữu bộ tem về phụ nữ độc nhất ở Việt Nam. “Để có được bộ sưu tập tem về phụ nữ gồm 5 khung tem với 80 trang theo đúng nguyên tắc của một tập sưu tập tem quốc tế, tôi đã phải tìm mọi cách, khi thì đặt mua từ bưu điện, khi thì tìm mua lại của bạn chơi tem, thậm chí tôi còn phải liên hệ mua từ nước ngoài. Tôi mất hàng chục năm trời mới hoàn thành được bộ sưu tập tem này”, ông Vân kể.


Chợ tem là điểm hẹn của những người đam mê thú chơi tem nhưng người trẻ tại chợ tem này không nhiều. Đây là điều khiến ông Phạm Hào, người “khai mở” chợ tem này băn khoăn. “Giới trẻ giờ chủ yếu sử dụng internet và điện thoại, chứ hiếm người sử dụng thư để liên lạc. Liệu vài chục năm nữa, có ai còn mặn mà thú chơi tem này nữa?”, ông Hào trăn trở.



Bài và ảnh: Thu Trang

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN