'Chợ online' - cơ hội và gian nan trong mùa dịch bệnh COVID-19

Thông tin có nhân viên làm việc tại một hệ thống siêu thị bị lây nhiễm COVID-19 khiến nhiều người dân Hà Nội lo lắng. Trong khi đó, dù đã thực hiện giãn cách, nhiều người dân vẫn e ngại khi vào các chợ truyền thống để mua sắm. Tâm lý này khiến nhu cầu đi chợ online trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Chú thích ảnh
Nhân viên Nhà hàng Bể Cá làm đồ ăn chín để giao cho khách hàng.

Trực tuyến từ chợ truyền thống đến siêu thị

Khi Hà Nội giãn cách xã hội toàn thành phố, một số bà con ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng nháo nhác tìm chỗ đi chợ bởi chợ tạm ngõ Lò Lợn bị dẹp; chợ Trại Găng phố Bạch Mai bị phong tỏa vì có ca mắc COVID-19; các tiểu thương bán rau, thịt trên phố Bùi Ngọc Dương cũng ngừng hoạt động.

“Việc mua thực phẩm tại chợ dân sinh gặp khó vì theo phiếu đi chợ, những hộ dân ở phường Bạch Mai không được đi chợ ở phường khác như chợ Bách Khoa”, chị Nguyễn Tuyết Nhung, ngõ 402 phố Bạch Mai than thở. Theo chị Nhung, không phải bà con lao động nào cũng có điều kiện để vào siêu thị. Sau 1 tuần thực hiện giãn cách, chị Nhung được cho số điện thoại của vài tiểu thương ở chợ tạm ngõ Lò Lợn. Mặc dù chợ không được hoạt động nhưng người bán thịt, rau, bánh phở…vẫn nhận đơn và giao hàng tận nhà.

Chú thích ảnh
Các nhân viên được bố trí ăn, ở tại cơ sở sản xuất, kinh doanh của Bể Cá để đảm bảo phòng dịch.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, anh Nguyễn Hưng, làm nghề xe ôm (phường Bạch Mai) cho biết: “Tôi vẫn vào được chợ Bách Khoa nhưng phải đi từ 6 giờ sáng vì giờ đó, người trực ở cổng chợ chưa đến”. Tuy nhiên sau đó, anh Hưng cũng lấy được số của tiểu thương bán thịt, rau để họ giao tới nhà, chấp nhận mất thêm chi phí.

Theo anh Trần Toản, chủ tiệm rau ở chợ dân sinh phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), trong những ngày phải nghỉ bán do đóng cửa chợ, anh Toản bán hàng trên Zalo, Facebook. “Khách đặt đến đâu, tôi đi ship đến đó nhưng chỉ giao ở những khu vực cùng quận. Dù doanh thu sụt giảm mạnh nhưng vẫn phải cầm cự để sinh sống”, anh Toản cho biết.

Trong những ngày này, lượng giao dịch online tại các siêu thị ở Hà Nội tăng đột biến. Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội, lượng đơn đặt mua online tăng từ 5 đến 10 lần so với trước. “Các đơn buổi sáng sẽ được siêu thị giao trong ngày, đơn buổi chiều ưu tiên hàng thực phẩm tươi sống. Hàng khô do khách đặt mua buổi chiều, nhân viên siêu thị sẽ đi giao buổi tối hoặc sáng hôm sau”, bà Kim Dung cho biết. 

Theo đại diện Co.opmart, thay vì phân luồng, chia nhóm và điều tiết số lượng khách vào bên trong mua sắm, mới đây một số siêu thị Co.opmart tại Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm hình thức phục vụ cố định ngay tại siêu thị giúp giảm đến 80 - 90% nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm. Theo đó, khách hàng đến siêu thị được bố trí vị trí ngồi cố định, giữ khoảng cách an toàn, được nhân viên Co.opmart tư vấn danh mục hàng hóa theo yêu cầu và chủ động soạn hàng luôn cho khách. 

Còn Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng chia sẻ: Các đơn đặt hàng online của hệ thống siêu thị BRG Mart, Hapro tại Hà Nội tăng gấp 5 lần so với trước. Tương tự, hệ thống Aeon Việt Nam cũng ghi nhận đơn hàng tăng gấp 3 - 5 lần so với trước; MM Mega Market, thậm chí có đơn hàng online tăng 15 lần; LotteMart cũng tăng 500%...

Shop thực phẩm gặp khó khi chỉ giao hàng một quận

Việc đặt hàng hóa, thực phẩm online vừa tiết kiệm thời gian, hạn chế tiếp xúc nơi đông người để phòng dịch đang được nhiều người dân hưởng ứng. Tuy nhiên, khâu vướng mắc nhất với người bán và người mua hiện là người giao hàng (shipper). 

Nếu như các siêu thị, sàn thương mại điện tử có đội ngũ shipper có thể giao  hàng khắp nơi tại Hà Nội thì những cửa hàng thực phẩm chỉ được giao thức ăn trong một quận. 

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chị Nguyễn Thu Hương, quản lý Nhà hàng Bể Cá - đơn vị được hoạt động vì có giấy phép kinh doanh là shop thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên chị Thu Hương đang gặp khó vì chỉ được phục vụ khách hàng ở quận Đống Đa, trong khi nhu cầu khách mua đồ ăn chín ở khắp nơi trong thành phố, đặc biệt những gia đình có cha mẹ già, con nhỏ.

“Do chỉ được giao hàng trong một quận nên doanh thu của cửa hàng sụt giảm 50%. Cửa hàng duy trì hoạt động để giữ khách. Hiện các đơn hàng đặt có giá trị cao vì người dân mua thức ăn trong 3 - 4 ngày. Các mặt hàng dữ trữ như bánh nếp, các món từ thịt lợn, đồ ăn sáng bán tốt hơn. Nhà tôi thực hiện giao hàng 5K, tiền thanh toán chuyển khoản. Shipper để hàng trong thùng carton, trước cửa nhà”, chị Thu Hương.

Chị Đỗ Thị Nhuận (Từ Liêm, Hà Nội), một người bán các loại thức ăn chế biến sẵn cho biết: Nhu cầu đặt hàng thức ăn chín rất cao vì nhiều bà nội trợ vừa phải làm online, vừa trông con nên không có thời gian nấu nướng. Tuy nhiên, sau khi Hà Nội hạn chế hoạt động của các shipper (bằng cách cấp một lượng thẻ hoạt động nhất định), giá ship đắt gấp rưỡi, gấp đôi khiến chi phí của những người kinh doanh như chị tăng vọt. Đặc biệt, việc buôn bán hiện nay gần như tê liệt vì chỉ ship được nội quận, trong khi khách quen của chị ở khắp nơi trong thành phố.

Mới đây, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị duy trì hoạt động thương mại điện tử, hỗ trợ chống dịch COVID-19. Theo đó, VECOM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của shipper. Mặc dù hoạt động thương mại điện tử được thực hiện trên nền tảng công nghệ tiên tiến nhưng với hàng hóa hữu hình không thể tách rời đội ngũ giao hàng.

Văn bản cũng nêu lên việc tỷ lệ người mua và người bán trên cùng 1 quận, huyện là không cao, hơn nữa mỗi chuyến giao hàng của shipper có thể có nhiều khách hàng ở những địa điểm khác nhau. VECOM cho rằng, nhiều khi hai địa điểm ở hai quận liền kề lại gần hơn hai địa điểm cùng một quận. Hiệp hội này cũng chia sẻ thực tế gần đây tỷ lệ đơn hàng bị hoàn trả tăng đột biến do người nhận bị cách ly cũng như các biện pháp quản lý chưa phù hợp.

Do đó, VECOM kiến nghị Thủ tướng giao UBND các địa phương, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội căn cứ vào tình hình thực tế để hỗ trợ shipper, gỡ bỏ những quy định như chỉ được hoạt động tại 1 quận, huyện.

                Ứng dụng Now hoạt động trở lại tại Hà Nội

Trong bối cảnh nhiều chợ, điểm siêu thị ở Hà Nội bị phong tỏa, nhu cầu mua thực phẩm, thức ăn tăng mạnh, kể từ ngày 4/8, Now cung cấp trở lại dịch vụ đi chợ hộ và giao hàng hoá thiết yếu tại 5 quận ở Hà Nội. Ứng dụng này được mở lại dựa trên quyết định của Sở Giao thông Vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.

Theo đó, dịch vụ NowFresh (đi chợ) và NowShip (giao hàng hoá thiết yếu) sẽ được hoạt động trở lại tại 5 quận gồm: Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Thanh Xuân. Chỉ những lái xe đạt điều kiện, được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phê duyệt, đảm bảo quy tắc phòng dịch COVID-19 mới được phép giao hàng.

Hiện, ứng dụng AhaMove chỉ nhận giao các đơn hàng là mặt hàng thiết yếu với điều kiện địa chỉ lấy và giao hàng nằm trong cùng quận tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Trước đó, Công ty TNHH Grab có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương Hà Nội sau khi shipper công nghệ bị cấm hoạt động tại thủ đô từ ngày 24/7. Theo Grab, thời gian qua, các dịch vụ như: GrabFood, GrabMart, GrabExpress và các đối tác lái xe đã hoạt động không ngừng nghỉ để cung cấp lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Các dịch vụ trên không chỉ giúp việc lưu thông, luân chuyển hàng hóa thiết yếu, giúp người dân an tâm tiếp cận nhu yếu phẩm mà không phải ra khỏi nhà và tập trung đông người.
Chú thích ảnh
Bài và ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Chợ đầu mối Long Biên bị phong tỏa, nông sản tràn ra đường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh
Chợ đầu mối Long Biên bị phong tỏa, nông sản tràn ra đường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh

Toàn bộ chợ Long Biên (Hà Nội) tạm dừng hoạt động từ ngày 3/8 do có ca mắc COVID-19. Tuy chợ đã phong tỏa, song các tiểu thương kinh doanh mặt hàng nông sản, rau củ quả vẫn "tấp nập" buôn bán dưới lòng đường, ngay trước cổng chợ, bất chấp dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN