Gần dân, bám cơ sở
Đại úy Lê Minh Tâm, cán bộ Công an huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, nhận nhiệm vụ Trưởng Công an xã Đồng Tâm vào tháng 9/2019 đến nay đã hơn một năm. Xuống cơ sở, vấn đề khiến anh và đồng đội suy tư là làm thế nào để vận động người dân địa phương, đặc biệt là bà con dân tộc Dao từ bỏ những thói quen, tập quán lạc hậu để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Bởi, học không giúp cho “cái bụng no được” và mời thầy mo đến cúng cho người ốm trong nhà... vẫn là những quan niệm tồn tại dai dẳng trong bà con người Dao. Đáng ngại hơn nữa, thói quen uống rượu triền miên, “xoay tròn” một tháng vào những dịp lễ hội, dẫn đến bỏ bê lao động sản xuất khiến cuộc sống của bà con đã nghèo lại càng nghèo thêm.
Ngoài bám sát chương trình công tác của Huyện ủy, Công an huyện, đại úy Lê Minh Tâm cùng đồng đội xuống địa bàn “bám cơ sở”. Mỗi cán bộ, chiến sỹ đều lắng nghe và vận động cán bộ địa phương, người có công, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đồng Tâm cùng phối hợp để việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với bà con đạt hiệu quả cao nhất.
Việc các anh cùng ăn, cùng làm, cùng ở với đồng bào để nắm bắt tâm tư của nhân dân, đồng thời lựa chọn những nội dung, hình thức phổ biến kiến thức pháp luật phù hợp đã đem lại hiệu quả. Thời gian gần đây, người dân đã dần nâng cao nhận thức, không vi phạm pháp luật và đặc biệt là đã dần hạn chế uống rượu, tập trung làm ăn để đảm bảo ổn định cuộc sống. Lực lượng cũng kịp thời phát hiện, tiếp nhận, giải quyết những vụ việc liên quan đến mất an ninh trật tự và chủ động báo cáo Công an huyện, tham mưu cho địa phương, không để hình thành điểm nóng.
“Ngoài những tập quán lạc hậu, còn nổi lên vấn đề bà con sử dụng súng tự chế để săn bắn. Tuy nhiên, do được phổ biến, tuyên truyền từ lực lượng chức năng, nhân dân trên địa bàn đã giao nộp, cam kết không sử dụng súng tự chế để săn bắn và từng bước nhận thức sâu sắc hơn, có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn”, Đại úy Lê Minh Tâm cho biết.
Theo Thượng tá Phạm Văn Khánh, Phó trưởng Công an huyện Bình Liêu, Đồng Tâm chỉ là một trong 6 xã biên giới của Bình Liêu. Huyện có 43 km đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc và có những đặc thù riêng trong đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khi phần lớn người dân trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, ngoài tiếng phổ thông và tiếng dân tộc mình, lực lượng công an xã của huyện Bình Liêu được quán triệt phải đáp ứng yêu cầu là biết và sử dụng thêm ngôn ngữ của các dân tộc khác tại địa bàn phụ trách. Chính việc thông thạo về ngôn ngữ, am hiểu địa bàn đã nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp cán bộ, chiến sỹ gần dân, nhanh chóng nắm bắt tình hình để kịp thời xử lý, thu được nhiều kết quả tích cực.
“Lực lượng công an xã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tin tưởng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bà con đã cung cấp nhiều tin có giá trị để giúp cho lực lượng công an giải quyết, xử lý hiệu quả, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự. Qua tuyên truyền, vận động của công an xã, tình hình nhân dân xuất nhập cảnh trái phép để lao động, làm thuê hiện nay đã giảm hẳn - Trung tá Phạm Văn Khánh cho hay.
Giải quyết mâu thuẫn từ cơ sở
Cũng như mảnh đất biên giới Đông Bắc, việc triển khai công an chính quy xuống đảm nhiệm chức danh công an xã tại các xã thuộc Mường Nhé - huyện biên giới Tây Bắc của Tổ quốc cũng được Ban Chỉ huy Công an huyện Mường Nhé (Điện Biên) quán triệt “anh em về cơ sở phải nắm bắt tâm tư của người dân và hỗ trợ kịp thời khi cần thiết”.
Ngoài thực thi nhiệm vụ của mình, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an còn thường xuyên cùng các sở, ban, ngành khác đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, họ còn đóng vai trò là người tư vấn, hỗ trợ, giải quyết khúc mắc cho bà con trong bản hay những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở.
Theo chia sẻ của Thượng úy Nguyễn Văn Long, Công an xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, các anh thường xuyên xuống địa bàn dân cư để nắm tình hình an ninh, trật tự, cùng người có uy tín, cán bộ thôn, Công an viên củng cố tình hình an ninh chính trị, tuyên truyền pháp luật, giúp nhân dân yên tâm phát triển kinh tế. Năm 2020, Công an xã Chung Chải phối hợp với chính quyền, các đoàn thể tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, vận động nhân dân tự giác giao nộp súng tự chế cũng như tuyên truyền cho đồng bào không nghe lời kích động, xúi giục của kẻ xấu. Hiện, Công an xã đã kiện toàn, củng cố các Tổ an ninh xung kích tự quản, Tổ dân phòng ở các thôn, bản ở Chung Chải.
“Thời gian trong ngày của chúng tôi phần lớn là gắn bó với người dân ở bản. Người dân có thể tìm đến sự giúp đỡ của chúng tôi bất kể lúc nào. Việc bám cơ sở, bám dân và được dân tin, dân yêu là quan trọng khi thực hiện nhiệm vụ”, Thượng úy Long kể.
Theo Thiếu tá Vũ Văn Hưng- Trưởng Công an huyện Mường Nhé, thực tế là từ khi bố trí lực lượng Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã thì chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở đã nâng cao rõ rệt. Các mặt công tác phòng ngừa tội phạm được quan tâm thực hiện nên tỷ lệ tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật đã giảm so với trước. Công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
“Công an chính quy xuống xã đã khắc phục được những hạn chế của Công an xã bán chuyên trách trước đây”, Thiếu tá Vũ Văn Hưng khẳng định.
Bài cuối: Ổn định an ninh vùng biên