Ứng phó với thiên tai vùng Tây Bắc:

Chiến lược quản lý rủi ro, thiệt hại

Những năm qua, hiện tượng biến đổi khí hậu trên địa bàn các tỉnh trong vùng Tây Bắc ngày càng rõ rệt hơn, tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu đã vượt quá khả năng thích ứng của các tỉnh trong vùng. Áp lực của trạng thái khí hậu hiện tại và kịch bản tương lai yêu cầu các tỉnh không chỉ phải sử dụng các cơ chế giảm nhẹ, thích ứng một cách rộng rãi, mà còn cần quan tâm tới các thiệt hại, mất mát do biến đổi khí hậu. Thiệt hại và mất mát xảy ra khi các nỗ lực giảm thiểu không đủ và chiến lược thích ứng gặp phải các hạn chế. Và khi các tác động của thiên tai liên quan tới biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi, thì thiệt hại và mất mát sẽ đến với các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt là người dân.

Người dân tỉnh Bắc Kạn gia cố, khơi thông kênh mương nhằm tiêu nước cho diện tích lúa bị ngập do hậu quả mưa lũ gây ra.



Theo Tiến sĩ Nguyễn Danh Sơn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho đến nay khoa học trên thế giới vẫn chưa thể bóc tách được rủi ro do biến đổi khí hậu và rủi ro do thiên tai. Các tỉnh trong vùng Tây Bắc nói riêng, Việt Nam nói chung đã có chiến lược rõ ràng về quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu nhưng chưa có chiến lược quản lý thiệt hại, mất mát từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Bởi vậy, việc tiếp cận tổng hợp hay tích hợp lồng ghép trong hoạch định chiến lược, chính sách đòi hỏi liên kết quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý thiệt hại, mất mát nhằm tăng cường khả năng chống chịu của con người và tự nhiên. Sự liên kết này đòi hỏi phải đưa thiệt hại, mất mát thành một thành tố cấu thành chiến lược quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, mà không phải là hệ quả thực hiện chiến lược.

Lãnh đạo các tỉnh trong vùng cũng cho rằng, các hành động hiện nay là xây dựng các Quỹ dự phòng cho phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai hàng năm, hình thành Quỹ tự lực tài chính về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, Quỹ hỗ trợ phát triển bền vững…; thực hiện phương châm "4 tại chỗ".

Coi trọng phương châm “4 tại chỗ”

Công tác phòng chống thiên tai bão lũ và tìm kiếm cứu nạn được lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Bắc, trong đó có tỉnh Hòa Bình coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, hàng năm bố trí đủ ngân sách dự phòng. Tổ chức diễn tập phòng thủ khu vực cấp tỉnh, huyện, xã kết hợp với phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã khẩn trương kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng phương án cụ thể, sát với điều kiện thực tế, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và quan điểm “Chủ động trong phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó, lấy phòng tránh là chính”.

“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, các thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa bản tin khí tượng thủy văn, phục vụ ngày càng tốt hơn công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và của cộng đồng, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra”.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguyễn Linh Ngọc

Các ngành chức năng cũng tổ chức ứng trực thường xuyên, theo dõi sát diễn biến thời tiết, rà soát đánh giá các khu vực trọng yếu, nhất là khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở đất, đá ở các xã vùng cao thuộc các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai… Tại các vị trí ngầm, tràn, khe suối, triển khai phương án vận động và di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ trượt sạt, tổ chức ứng trực thường xuyên, cảnh báo, kiên quyết không cho người dân tham gia giao thông tại các ngầm, tràn giao thông khi có mưa lũ và nước dâng cao.

Các huyện vùng hạ lưu Thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, chủ động xây dựng phương án, tổ chức di dời dân đến nơi an toàn khi các nhà máy thủy điện xả lũ tần suất lớn. Đơn vị thực hiện các công trình giao thông thủy lợi xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho từng loại công trình, thực hiện tu bổ, củng cố các tuyến đê, đập, hồ chứa theo kế hoạch, kiểm tra phát hiện và có phương án xử lý kịp thời những hư hỏng, ẩn họa. UBND các tỉnh trong vùng chỉ đạo, đơn vị thi công các công trình cần tổ chức thi công hoàn thành các hạng mục vượt lũ và có phương án ứng phó với mưa lũ lớn xảy ra. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Đê điều, lập phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện cứu hộ đê khi xảy ra sự cố.

Mùa mưa bão đã đến, việc bảo đảm an toàn giao thông trước, trong và sau mưa bão là điều rất quan trọng đối với tỉnh miền núi như Lai Châu, Sơn la, Điện Biên, Hòa Bình, Cao Bằng, Lào Cai... Các đơn vị quản lý đường bộ các tỉnh vùng Tây Bắc khẩn trương kiểm tra và có biện pháp sửa chữa, gia cố những vị trí xung yếu như các vị trí ngầm, những đoạn đường nền yếu, ta- luy dễ sụt lở... Đặc biệt, cần tập trung kiểm tra chi tiết các cầu ở các vị trí móng, mố, trụ cầu, dầm và các liên kết của nền thép để phát hiện và khắc phục kịp thời những dấu vết mới phát sinh hư hỏng. Chuẩn bị vật liệu dự phòng chống trơn lầy để kịp thời đảm bảo giao thông khi có mưa lớn trên những đoạn đường dốc; chuẩn bị vật liệu dự phòng như đá hộc, rọ thép, dầm I, vãn mặt cầu... tập kết tại các vị trí trung tâm dễ lấy, dễ vận chuyển; chuẩn bị nhân lực và thiết bị thường trực ở những vị trí xung yếu nhiều khả năng gây ra ách tắc giao thông và khi cần thiết có thể ứng cứu kịp thời.

Viết Thanh
Ứng phó với thiên tai vùng Tây Bắc: Ưu tiên công tác phòng chống lụt, bão
Ứng phó với thiên tai vùng Tây Bắc: Ưu tiên công tác phòng chống lụt, bão

Tây Bắc là vùng có địa hình đồi núi phức tạp và khó khăn nhất cả nước. Hàng năm, nhân dân các dân tộc trong vùng luôn phải hứng chịu nhiều trận mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và của.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN