Ứng phó với thiên tai vùng Tây Bắc: Ưu tiên công tác phòng chống lụt, bão

Tây Bắc là vùng có địa hình đồi núi phức tạp và khó khăn nhất cả nước. Hàng năm, nhân dân các dân tộc trong vùng luôn phải hứng chịu nhiều trận mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và của.

Trong những ngày qua, cùng với các tỉnh khu vực Đông Bắc, các tỉnh vùng Tây Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… phải gồng mình chống chọi, đối phó với thảm họa thiên tai do mưa lũ gây ra. Ở huyện vùng cao Sìn Hồ Lai Châu đã có thiệt hại về người, còn thiệt hại về vật chất chưa thể tính hết.

Tang thương vùng lũ

Sau trận lũ ngày 1/8 vừa qua, nhiều nhà dân ở bản Đề Chia C, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) bị nước ngập tới nóc. Đến ngày 4/8, nước vẫn chưa có dấu hiệu rút khiến người dân nơi đây phải đi lại trong bản bằng bè tre. Con đường từ xã Pú Nhung vào bản Đề Chia C vẫn đang trong tình trạng ngập nước, có đoạn nước vẫn còn sâu hơn 1 mét.

Cầu Bản Hiệu, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) bị hư hỏng nặng do mưa lũ ngày 31/7 và 1/8/2015.Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN



Trước mắt chúng tôi là cảnh bản làng mênh mông trong dòng nước đục, chỉ lộ ra những chóp mái nhà và những ngọn cây. Những lán tạm bằng bạt đã được bà con dựng lên ở những đồi cao. Nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt, diện tích hoa màu, chuồng trại chăn nuôi, ao cá... tại khu vực trung tâm bản chìm giữa biển nước mênh mông, sâu tới 10 mét, cá biệt có nơi mực nước dâng cao hơn 20 mét. Các hoạt động sản xuất bị đình trệ, giao thông chia cắt, còn người dân phải sống một cách tạm bợ. Những người đàn ông gắn nhiều thân tre lại thành bè để di chuyển trong bản làng, chung sức dựng lán tạm cho bà con. Phụ nữ và trẻ em chỉ còn biết ngồi co ro trong những chiếc lán tạm và nhìn ra dòng nước lo lắng.

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, từ ngày 26 - 30/7/2015, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh. Mưa lũ đã làm 17 người chết, 8 người bị thương, 19 nhà sập đổ hoàn toàn, 3.700 nhà bị ngập, 1.065 ha lúa, hoa màu và 433,3 ha và 880 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 33.600 m3 đất đá sạt lở và nhiều điểm trên các tuyến đường giao thông bị ngập lụt.

Ông Vừ Chờ Lành, người dân trong bản, ngậm ngùi: "Từ sáng 1/8, lũ chảy từ các khe suối về bản Đề Chia C, đến 3 giờ chiều thì ngập 10 nhà dân trong bản. Người còn kịp chạy ra được, chứ vật dụng, của cải thì đã bị ngập trong lũ. Chỉ cách đây mấy ngày, nơi đây vẫn đang là bản làng mà bây giờ đã như hồ nước". Chỉ tay về phía một mái tôn đỏ lộ trên mặt nước, ông Vừ Chờ Lành cho biết: Ngôi nhà đó vừa mới làm xong mà bây giờ đã ngập trong nước. Trận lũ đã qua mấy ngày nhưng nước vẫn chưa hề có dấu hiệu rút mà thậm chí còn dâng cao hơn do nước từ các khe suối vẫn tiếp tục đổ về.

Ông Vừ Sáy Sùng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Pú Nhung, cho biết: Trong đợt lũ vừa qua, địa bàn xã Pú Nhung có 4 bản bị ngập gồm Co Bua, Đề Chia A, Đề Chia B và Đề Chia C; 57 nhà bị ngập trong nước, trong đó 40 nhà bị ngập nặng. Đến thời điểm hiện tại, 10 nhà dân của bản Đề Chia C, cùng với trên 70 ha lúa và hoa màu vẫn đang ngập sâu trong nước. Bản Đề Chia C là khu vực lòng chảo nên nước rất khó rút. Nếu dứt mưa thì ít nhất 20 ngày nữa khu vực này mới có thể cạn được. Hiện chính quyền địa phương cùng huyện Tuần Giáo đã báo cáo tỉnh để nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho bà con.

Chưa chủ động ứng phó

Vùng Tây Bắc thường xuyên phải hứng chịu nhiều loại thiên tai như bão, lũ, mưa đá, hạn hạn... Vì vậy, các tỉnh trong vùng luôn dành sự ưu tiên đối với công tác phòng, chống lụt bão.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, thời gian qua, công tác phòng, chống thiên tai đã được triển khai tích cực. Các Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành; hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm đưa Luật Phòng, chống thiên tai được tích cực triển khai. Nhiều kế hoạch, đề án, phương án chuẩn bị đối phó với các tình huống thiên tai khốc liệt được xây dựng ở cấp tỉnh và các địa phương. Bên cạnh đó, nhiều công trình phòng, chống thiên tai được đầu tư, xây dựng mới, tu bổ, nâng cấp. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh trong vùng đã phối hợp tốt với các ban, ngành và địa phương tổ chức tốt công tác chỉ đạo, ứng phó kịp thời, quyết liệt với những nội dung cụ thể trong từng cơn bão, áp thấp nhiệt đới.

Mặc dù công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, song vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đơn cử như khi có lũ, bão, một số địa phương, đặc biệt ở cấp huyện, xã chưa triển khai quyết liệt việc hướng dẫn hoặc cấm người đi qua suối, ngầm... nên vẫn có trường hợp tử vong. Công tác tổ chức chằng chéo nhà cửa chưa kịp thời, hiệu quả nên nhiều nhà bị tốc mái và sập đổ. Phương án phòng, chống thiên tai ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa sát thực tế. Công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là ở cấp huyện, xã chưa được quan tâm đúng mức. Việc xác định vùng nguy hiểm, lập phương án và sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất chưa được thực hiện quyết liệt nên vẫn còn trường hợp người bị chết...

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2015, tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, ngày càng cực đoan và khó dự đoán. Do vậy, để chủ động ứng phó với thiên tai trong năm nay, các bộ, ngành liên quan và địa phương khẩn trương kiện toàn, củng cố cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai. Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão các địa phương cần rà soát, xác định cụ thể những loại hình thiên tai có thể xảy ra trên từng địa bàn, các giải pháp ứng phó với các hình thái thiên tai hiện nay, trên cơ sở đó tổng hợp, có giải pháp ứng phó tổng thể và tập trung chỉ đạo đối với từng vùng sát với thực tế. Tiến hành kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống lụt, bão, chỉ đạo tu sửa, khắc phục kịp thời các sự cố để chủ động đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa nước, trên cơ sở đó quyết định cụ thể các hồ được phép tích nước, mức độ tích nước để đảm bảo an toàn.

Các địa phương xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Tăng cường chuẩn bị công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai ở các cấp, đặc biệt là cấp huyện xã, đảm bảo chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm thiên tai và điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương.

Xuân Tư – Viết Tôn
Chiến lược quản lý rủi ro, thiệt hại
Chiến lược quản lý rủi ro, thiệt hại

Những năm qua, hiện tượng biến đổi khí hậu trên địa bàn các tỉnh trong vùng Tây Bắc ngày càng rõ rệt hơn, tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN