Chế độ đối với người lao động nghỉ hưu trước tuổi tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP về chế độ đối với người lao động nghỉ hưu trước tuổi tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ thống nhất vận dụng một số chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 63/2015/NĐ-CP ngày 22/7/2015 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu để áp dụng đối với người lao động nghỉ hưu trước tuổi tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Đối tượng áp dụng là người lao động tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (không bao gồm đối tượng là người quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam: Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Thành viên Hội đồng Quản trị, Trưởng Ban Kiểm soát, Thành viên Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng) hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao trong giai đoạn Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ, có độ tuổi từ 55 tuổi đến dưới 60 đối với nam, từ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ (tính tại thời điểm ngày 1/1/2018) và đã có từ đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội trở lên.  

Người lao động tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam thuộc đối tượng trên, khi nghỉ hưu trước tuổi được thực hiện một lần trong năm 2018.


Người lao động từ đủ 55 tuổi đến đủ 59 tuổi đối với nam tính tại thời điểm ngày 1/1/2018, từ đủ 50 tuổi đến đủ 54 tuổi đối với nữ tính tại thời điểm ngày 1/1/2018, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và các chế độ sau: Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ), nghỉ hưu trước tuổi. 

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp cho người lao động nghỉ hưu trước tuổi là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 5 năm cuối cùng trước khi nghỉ việc. Người lao động được hỗ trợ 1 tháng lương cơ sở do Chính phủ quy định năm 2018 cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội, trường hợp có tháng lẻ thì từ dưới 1 tháng không được tính; từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc.

Người lao động trên 59 tuổi nhưng chưa đủ 60 tuổi đối với nam tính tại thời điểm ngày 1/1/2018, trên 54 tuổi nhưng chưa đủ 55 tuổi đối với nữ tính tại thời điểm ngày 1/1/2018, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và hưởng thêm các chế độ sau: không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; được hỗ trợ 0,5 tháng lương cơ sở do Chính phủ quy định năm 2018 cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội, trường hợp có tháng lẻ thì từ dưới 1 tháng không được tính; từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc.

Các khoản trợ cấp, hỗ trợ trên được tính vào chi phí quản lý của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Chính phủ giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện rà soát, lập danh sách và dự toán số tiền trợ cấp đối với người lao động thuộc đối tượng nghỉ hưu trước tuổi, báo cáo Bộ Tài chính thẩm tra, phê duyệt để triển khai thực hiện trong năm 2018.

Bộ Tài chính thẩm tra, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với người lao động nghỉ hưu trước tuổi theo đề nghị của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

TTXVN/Báo Tin tức
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo về cơ chế tiền lương của VDB
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo về cơ chế tiền lương của VDB

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo về cơ chế tiền lương đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong năm 2016 và năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN