Bệnh nhân vào viện trong tình trạng vết thương dập nát vùng má từ góc mép đến sát tai, lộ tổ chức mỡ. Rất may mắn là vết thương chỉ ở phần da và tổ chức dưới da, không ảnh hưởng đến cân cơ, thần kinh và các tuyến nước bọt vùng mặt.
Các bác sỹ đã làm sạch sẽ, cắt lọc và khâu đính lại các vạt da cho cháu bé. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân cũng được đưa đi tiêm phòng dại. Hiện tại vết thương khô, sức khỏe ổn định, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Trước đó, ngày 19/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận bệnh nhân nam 7 tuổi, ở Thái Nguyên, bị chó nhà cắn, giống Pitbull, 17 kg, nuôi được 2 năm. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử 2 bên giãn, đa vết thương vùng đầu, mặt, cổ, ngực, vết thương cánh tay 2 bên, vết thương tầng sinh môn nhiều. Mặc dù đã được các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã không qua khỏi.
Chỉ tính tháng 1/2019 - 23/4/2019, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận 10 trường hợp bệnh nhân bị chó cắn.
Trước các sự việc chó tấn công người gây thương tích, thậm chí dẫn tới tử vong xảy ra gần đây, các chuyên gia y tế khuyến cáo khi bị chó cắn, không nặn bóp, bôi dầu hỏa hoặc các chất kích thích hoặc đắp lá vào vết thương. Người bị chó cắn phải đến ngay các điểm tiêm văcxin phòng dại để được khám, xử lý vết thương theo quy trình khi bị súc vật cắn. Tại đây, bệnh nhân sẽ được tư vấn tiêm văcxin dại hoặc tiêm cả huyết thanh kháng dại để phòng bệnh dại. Vắc xin dại không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Những gia đình đang nuôi chó mèo cần tiêm vắcxin phòng bệnh dại cho chó mèo đang nuôi. Chó mèo nuôi phải đăng ký, chó nuôi phải xích, ra ngoài phải có rọ mõm để không cắn người. Người bị chó mèo cắn phải rửa ngay vết thương và đi khám, tiêm văcxin phòng dại càng sớm càng tốt.