Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Thanh vừa ký Công văn số 3738/QLD-TT về việc sử dụng Salbutamol, Clenbuterol trước một số thông tin: Hoạt chất này đã bị lạm dụng trong thức ăn chăn nuôi để tạo heo siêu nạc. Có quan điểm cho rằng, các hoạt chất này là chất độc hại bị cấm sử dụng trong chăn nuôi nhưng lại được ngành y tế cho phép sử dụng.
Trước những thông tin có thể gây hiểu nhầm và hoang mang cho người dân, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết: Salbutamol là một thuốc thuộc nhóm kích thích thụ thể beta2, giao cảm, có tác dụng chọn lọc kích thích các thụ thể beta2 (có ở cơ trơn phế quản, cơ trơn tử cung, cơ trơn mạch máu) và ít tác dụng tới các thụ thể beta1, trên cơ tim nên có tác dụng làm giãn phế quản, giảm cơn co tử cung và ít tác dụng trên tim. Thuốc được sử dụng nhiều trong khoa hô hấp với các chỉ định dùng trong thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng… Clenbuterol cũng là thuốc thuộc nhóm kích thích thụ thể beta2 giao cảm, có tác dụng tương tự Salbutamol.
Theo các quy định của Bộ Y tế, Salbutamol và Clenbuterol là thuốc kê đơn, sử dụng cần phải có chỉ định của bác sỹ và bệnh nhân phải tuân thủ theo hướng dẫn về liều lượng, thời gian điều trị của bác sỹ. Nếu tuân thủ liều lượng và thời gian điều trị theo chỉ định của thầy thuốc thì sẽ đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho bệnh nhân. Tại Danh mục thuốc thiết yếu lần thứ 17 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2011, Salbutamol vẫn có mặt để điều trị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Đại diện Cục Quản lý Dược nhấn mạnh: Còn trong ngành thú y, tại Quyết định số 54/2002/QĐ-BNN ngày 20/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quy định cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng Salbutamol, Clenbuterol trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Minh Phương