Chàng thanh niên làm giàu từ nghề điêu khắc đá mỹ nghệ truyền thống

Sinh ra trong gia đình không có truyền thống nghề điêu khắc đá mỹ nghệ nhưng Huỳnh Văn Trung (32 tuổi) - chủ cơ sở đá mỹ nghệ Trung Cường ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng đã cho thấy không nhất thiết phải là "con nhà nghề", chỉ cần sự chăm chỉ, táo bạo và kiên trì theo đuổi niềm đam mê thì ai cũng có thể làm giàu từ chính làng nghề truyền thống của địa phương mình.


Anh Huỳnh Văn Trung (trái) đang hướng dẫn thợ đóng kiện hàng để bàn giao cho khách hàng.



Thừa hưởng đức tính chăm chỉ và khéo léo từ người cha làm thợ mộc, anh Trung luôn trau chuốt, tỉ mỉ trong từng công việc, đặc biệt là những việc liên quan đến điêu khắc hay chạm trổ. Từ khi còn học lớp 7, anh Trung đã biết tạc tượng đá con voi, tượng phật...sau đó đem bán tại các cửa hàng lưu niệm trên địa bàn.Niềm đam mê với điêu khắc cùng với chút máu kinh doanh, Huỳnh Văn Trung đã cùng anh trai là Huỳnh Văn Cường mở cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ mang tên Trung Cường ngay khi mới học cấp ba. Nhằm nâng cao thêm kiến thức chuyên môn về điêu khắc, Huỳnh Văn Trung quyết định thi vào trường Đại học Nghệ thuật Huế-Đại học Huế, chuyên ngành Điêu khắc (niên khóa 2002-2007). Trong thời gian học ở đây, anh Trung thường tranh thủ những ngày cuối tuần bắt xe đò từ Huế về Đà Nẵng để xem xét tình hình kinh doanh của cơ sở, đồng thời thực hành những gì được học.



Năm 2009, anh Trung quyết định tách ra mở cơ sở sản xuất riêng nhưng vẫn giữ nguyên tên cơ sở là Trung Cường. Lúc đầu, công việc gặp nhiều khó khăn do xưởng ít nhân công lại chưa có kinh nghiệm, vốn ít, thêm vào đó là sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường với nhiều thương hiệu vốn có tiếng từ lâu. Tuy nhiên, với tính cách dám nghĩ dám làm cùng với sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường, anh đã từng bước khắc phục khó khăn và đưa cơ sở dần đi vào hoạt động ổn định. Ban đầu, anh Trung tự làm tất những đơn đặt hàng, có khi phải thức đến 1-2 giờ sáng làm việc để kịp thời gian giao hàng. Bên cạnh đó, anh cũng đào tạo thêm tay nghề cho nhân công đang làm trong xưởng và tuyển thêm thợ điêu khắc mới có tay nghề. Đặc biệt, nhận thấy sức mạnh công nghệ thông tin trong việc quảng bá thương hiệu, anh Trung đã lập trang website để giới thiệu sản phẩm của cơ sở đến với khách hàng trong và ngoài nước.

Nhờ kiên trì bám trụ với nghề và chút duyên làm kinh doanh, đến nay thương hiệu đá mỹ nghệ Trung Cường đã nổi tiếng gần xa với sự đang dạng về loại hình và mẫu mã. Cơ sở có nhiều mặt hàng chủ lực như tượng mang tính tâm linh (tượng Phật, tượng La Hán, Địa Tạng, Ông Thần tài...), tượng danh nhân (Bác Hồ, tượng đài anh hùng liệt sỹ...) hay đồ đá mỹ nghệ trang trí nội, ngoại thất. Các sản phẩm không chỉ được tiệu thụ trong nước mà còn được khách hàng nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Mỹ, một số nước Châu Âu...ưa chuộng.

Hiện tại, cơ sở đá mỹ nghệ chính của anh có diện tích trên 2.000m2 , tạo công ăn việc làm cho gần 30 lao động, trong đó có 20 lao động thường xuyên. Mức lương trung bình mỗi thợ đạt khoảng 9 triệu đồng/tháng, những thợ lành nghề có thể đạt mức lương đến 21 triệu đồng/tháng. Điều đáng nói là cơ sở của anh thu hút lao động đền từ rất nhiều địa phương trong nước. Ước tính tổng doanh thu mỗi năm của xưởng đạt gần 2 tỷ đồng, trừ chi phí anh thu lại khoảng 200 triệu đồng. Hằng năm, anh Trung thường trích lợi nhận kinh doanh để thưởng Tết cho anh em công nhân, với mức từ 5-50 triệu đồng/người, tùy theo thâm niên và trình độ tay nghề.

Ngoài cơ sở chính, anh Huỳnh Văn Trung còn mở một xưởng phụ có diện tích rộng 400m2 dùng để đúc khuôn, tạo mẫu cho những bức tượng có kích thước lớn, cần độ tinh xảo cao. Việc phân chia hợp lý trong quy trình làm việc giúp cho công việc tại xưởng hoạt động được hiệu quả hơn, sản phẩm làm ra có chất lượng hơn.

Dù giờ đây cái tên "đá mỹ nghệ Trung Cường" đã trở thành thương hiệu có tiếng và chỗ đứng trên thị trường đá mỹ nghệ nhưng hằng ngày ông chủ trẻ vẫn miệt mài "thổi hồn" vào các khối đá. Anh Trung chia sẻ: "Điêu khắc không chỉ cần năng khiếu mà còn cần cả sự chăm chỉ, lòng yêu nghề thực thụ thì khi đó bạn mới tạo ra một tác phẩm vừa đẹp vừa có hồn". Anh cũng rất tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương với vai trò là một trong những nhà tài trợ cho nhiều chương trình. Anh cũng nhiệt tình tham gia đứng lớp giảng dạy tại các khóa đào tạo điêu khắc ngắn ngày do các đơn vị trong và ngoài thành phố tổ chức, qua đó khơi niềm đam mê và sự sáng tạo trong mọi người, góp phần giữ gìn và phát triển làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ của quê hương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN