“Mỗi nơi một phách”
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Y tế, có khoảng hơn 30 dịch vụ thuê khoán được sử dụng trong các bệnh viện. Từ dịch vụ vệ sĩ, bảo vệ, trông giữ xe, ăn uống/dinh dưỡng - tiết chế, taxi, vận chuyển người bệnh tử vong, căng tin tiện ích, vệ sinh công nghiệp, thu gom vận chuyển xử lý chất thải…đến bảo quản tử thi, nhà tang lễ, xe tang… Vì số lượng dịch vụ quá nhiều nên công tác quản lý ở mỗi bệnh viện cũng rất khác nhau.
Kiểm tra hoạt động bảo vệ tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. |
Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau những ầm ĩ không đáng có vào đầu tháng 7, hiện BV này đã thí điểm “mở cửa” cho tất cả các loại xe được ra vào hai cổng của BV. Số liệu thống kê cho thấy, hàng ngày có 700 - 800 lượt xe taxi, 600 - 700 lượt xe cá nhân, 20 - 25 lượt xe cứu thương. Ngoài ra, còn có hơn 150 lượt người hỏi nhân viên bảo vệ về hoạt động khám chữa bệnh, cây rút tiền, bãi đỗ xe ngoài BV…
Trước thực trạng đó, BV Nhi Trung ương đã tăng cường giám sát, đặt thêm các biển báo, phân luồng xe vào ra hợp lý, dứt khoát với các loại xe dù lởn vởn đón khách. Mặt khác, BV đang đăng thông báo mời thầu về dịch vụ bảo vệ và vận chuyển xe. Đã có khoảng 18 công ty đăng ký đấu thầu, dự kiến sẽ đấu thầu công khai và lựa chọn 2 hãng taxi uy tín, ký hợp đồng ngắn hạn. Sau đó BV sẽ theo dõi, đánh giá, giám sát, công khai bảng giá, dịch vụ, ghi nhận thường xuyên ý kiến phản hồi của người cung cấp và sử dụng dịch vụ để điều chỉnh cho phù hợp.
Giám đốc BV Phụ Sản Trung ương TS Vũ Bá Quyết lại cho biết, nhiều năm qua, khi cần gửi người bệnh sang bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội, BV đều có xe cứu thương và nhân viên y tế của BV đi theo mà không thu tiền của người bệnh. Hiện nay, dịch vụ trông giữ xe cho bệnh nhân đến khám do một đơn vị của phường Hoàn Kiếm thực hiện. Đối với dịch vụ vệ sỹ, dịch vụ taxi và dịch vụ vệ sinh, BV thường tổ chức đấu thầu. Bên cạnh đó, BV tự cung cấp một số dịch vụ như giặt là do khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn phụ trách; dinh dưỡng do khoa Dinh dưỡng cung cấp…
Tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương, việc quản lý dịch vụ thuê khoán ngoại viện cũng gặp không ít khó khăn. Ths Lê Lâm, Phó Giám đốc Viện Huyết học truyền máu Trung ương, cho biết, trước đây, BV đã tổ chức đấu thầu dịch vụ vận chuyển người bệnh song nhiều khi giữa đường, lái xe lại đòi thêm tiền người bệnh vì phải trả giá thuê mặt bằng tại BV. Do đó, hiện nay, BV không thu thuê khoán dịch vụ taxi nhưng có bảng giá công khai; nếu công ty nào vi phạm, sẽ cảnh báo cho người vào BV.
Còn theo phản ánh của đại diện BV Hữu Nghị, BV Lão khoa, BV Việt Đức và khoa Hồi sức tích cực của một số bệnh viện, các cơ sở y tế đang “gặp khó” trong việc quản lý dịch vụ hỗ trợ người bệnh (hay còn gọi là ôsin bệnh viện) xuất hiện tự phát hoặc do các công ty cung cấp. Thực tế, đến nay, chưa có bất cứ hướng dẫn gì về quản lý dịch vụ này nên các bệnh viện không biết dùng phương pháp đấu thầu hay chọn thầu…
Sẽ xây dựng tiêu chuẩn từng loại dịch vụHiện nay, chưa có một nghiên cứu cụ thể cũng như hướng dẫn về mô hình triển khai thuê khoán ngoài bệnh viện. Tuy nhiên, theo đánh giá của sơ bộ của đại diện Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, một số bệnh viện chưa thực hiện tốt, thiếu kiểm soát chất lượng dịch vụ thuê khoán ngoại viện. Đặc biệt, còn chưa công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn dịch vụ và giá dịch vụ. Một số bệnh viện độc quyền cung cấp dịch vụ, gây phiền hà, tiêu cực cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Giá dịch vụ ăn uống hay hàng hóa trong bệnh viện thậm chí còn cao hơn thị trường…
Tại cuộc họp mới đây với các bệnh viện về dịch vụ thuê khoán ngoài bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, để những dịch vụ thuê khoán thực sự phục vụ quyền lợi cho người bệnh cần đảm bảo các tiêu chí giá cả hợp lý, minh bạch và sự chuyên nghiệp của nhà cung cấp. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo tiêu chuẩn các loại hình dịch vụ thuê khoán bên ngoài vào bệnh viện để xin ý kiến đóng góp trước khi Bộ Y tế ban hành.
“Thời gian tới, các cơ sở y tế cần gắn việc đánh giá chất lượng các dịch vụ thuê khoán ngoài bệnh viện với đánh giá chất lượng bệnh viện, coi đây là một tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng. Các bệnh viện phải làm quan tâm và thực hiện tốt công tác quản trị bệnh viện, cũng là quản lý tốt các dịch vụ thuê khoán ngoại viện, đây là điểm yếu nhất của các bệnh viện hiện nay”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.