Đó là nội dung chính được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức sáng 10/7.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, nhấn mạnh: Phát huy vai trò giám sát các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đặc biệt là công tác chăm lo, hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân khó khăn do dịch COVID-19, trong thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cùng các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương triển khai Kế hoạch phối hợp tuyên truyền vận động thực hiện chăm lo và giám sát chính sách hỗ trợ người dân bị tác động do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, trong thời gian tới, hệ thống Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; phối hợp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Bên cạnh đó, Ban công tác Mặt trận và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò giám sát trực tiếp trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 tại địa bàn tổ dân phố, tổ nhân dân; đảm bảo quá trình thực hiện tổ chức chăm lo các chính sách phải đảm bảo công bằng, minh bạch và không để xảy ra trường hợp “không đúng đối tượng, không đúng mức hỗ trợ theo quy định, không đảm bảo quy trình, không để sót diện chăm lo, không lợi dụng chính sách để trục lợi, không trùng lắp đối tượng”.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ thành lập 3 đoàn giám sát để triển khai giám sát tại thành phố Thủ Đức, các quận, huyện về hoạt động phối hợp tuyên truyền; công tác thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố sẽ tổ chức các hoạt động giám sát thường xuyên, định kỳ đối với công tác chăm lo và chính sách hỗ trợ người dân của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố; UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh dự kiến triển khai gói hỗ trợ gồm 3,9 tỷ đồng từ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố để hỗ trợ những người lao động tự do không có đăng ký tạm trú và những đối tượng phát sinh ngoài nhóm được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Nghị quyết 09/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố.
Đánh giá cao kế hoạch công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, ông Ngô Văn Luận, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh, cho rằng cần phối hợp tốt giữa tuyên truyền và công tác chăm lo cho người dân và đẩy mạnh hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận trong điều kiện dịch bệnh. Hệ thống Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phải triển khai rộng đến từng gia đình, từng người, biến thành một mạng lưới an sinh xã hội, đón hết những người khó khăn mà chính sách của Chính phủ, thành phố chưa kịp đến, đảm bảo không để bất cứ ai bị tụt lại phía sau, không để bất cứ người dân nào bị đói, khổ, cùng cực do dịch bệnh.
Ông Ngô Văn Luận đề nghị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tích cực hỗ trợ cho chính quyền cơ sở trong việc giải quyết các vấn đề của người dân trong quá trình triển khai công tác chăm lo an sinh xã hội; góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng chính quyền cơ sở.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của các cơ quan, đơn vị; chủ động truyền thông trên các mạng xã hội; phát huy vai trò của Tổ (chống) COVID cộng đồng tại địa phương để thông tin có hệ thống, kịp thời và chính xác cho người dân thành phố về tình hình diễn biến dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch của thành phố. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, nhất là lợi ích của việc tiêm vaccine; tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập, tránh biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch.