Sau hơn một tháng triển khai nhiệm vụ đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Công điện 1099/CĐ-TTg, ngày 2/9, Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương phía Nam tuy có nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 và Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam cho biết, đến nay, công tác an sinh xã hội tại các địa phương đã từng bước đã được tháo gỡ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn địa phương triển khai chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả. Do đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần tập trung, quyết liệt hơn theo đúng theo chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, quan trọng nhất là các địa phương cần tổ chức tốt các đường dây hotline để người dân gặp khó khăn phản ánh. Địa phương khi tiếp nhận thông tin, cần phải đánh giá và giải quyết ngay để đảm bảo đời sống của người dân, đồng thời tạo thêm niềm tin của nhân dân với chính quyền.
“Dù không nằm trong các gói hỗ trợ đang được triển khai, tuy nhiên người dân gặp khó khăn do giãn cách kéo dài cũng cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời để tránh tình trạng bức xúc trong dân”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.
Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng đã nêu rõ hỗ trợ lao động tự do gặp khó khăn nên tất cả những trường hợp này cần được giải quyết kịp thời. Các địa phương cần năng động, linh hoạt trong việc hỗ trợ người lao động tự do găp khó khăn do họ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, ngưng việc.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng đề nghị cần rà soát, mở rộng hơn nữa và bao phủ hơn việc hỗ trợ người dân khó khăn, kể cả nhóm đã nhận hỗ trợ lần thứ nhất, đặc biệt là người lao động ở các tỉnh đang thuê trọ, hộ kinh doanh cá thể bị mất, giảm thu nhập. Nguyên do, giãn cách kéo dài hơn 3 tháng nay thì việc hỗ trợ lần đầu họ ở nhà đã chi tiêu hết, nên cần hỗ trợ thêm về lương thực, thực phẩm và sinh hoạt phí để đảm bảo đời sống.
Đánh giá cao Thành phố Hồ Chí Minh trong việc hỗ trợ và hỗ trợ bổ sung, khẩn cấp các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. "Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chưa bao quát hết được các đối tượng hỗ trợ", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi thẳng thắn nhận định.
Vì thế, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phố phía Nam cần rà soát lại toàn bộ những trường hợp lao động ngưng việc đang gặp khó khăn để hỗ trợ. Không phân biệt lao động tự do hay lao động có hợp đồng mà cần phải triển khai để không bỏ sót ai khó khăn trong mùa dịch theo đúng tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng khuyến nghị các địa phương tăng cường vận động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho người dân, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội trong những ngày giãn cách tại nhà, nhà trọ; lãnh đạo tại các địa phương cần phải xuống tận nhà dân, sâu sát với dân thì mới hiểu được dân và giải quyết những khó khăn cho dân khi họ cần. Nếu địa phương làm tốt điều này, đời sống người dân sẽ ổn định hơn, hậu phương trong cuộc chiến chống dịch bệnh sẽ vững chắc hơn.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng khuyến nghị mỗi địa phương, nhất là phường, xã, thị trấn, ấp, khu phố, tổ dân phố và mỗi gia đình phải thật sự là một “pháo đài” vững chắc. Đồng thời, mỗi địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xét nghiệm và độ phủ tiêm vaccine trong cộng đồng.
Ngoài ra, việc thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh cũng cần được phổ biến rộng rãi đến với người dân. “Khi người dân nắm vững những chính sách của Đảng, Chính phủ thì họ sẽ không bị các đối tượng xấu kích động mà còn hỗ trợ tốt hơn cho công tác phòng chống dịch, bệnh góp phần sớm đưa cuộc sống trở lại trong điều kiện bình thường mới”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.