Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ người dân thuê trọ ở quận Gò Vấp
Ngày 2/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và gặp gỡ một số người dân đang sinh sống trong các nhà trọ ở phường 14, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.
Gặp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều người dân thuê trọ ở trên địa bàn phường 14, quận Gò Vấp chia sẻ khó khăn khi dịch COVID-19 kéo dài hơn 4 tháng nay, nhiều nhà không còn tiền và mong muốn được miễn, giảm tiền điện, nước. Đặc biệt, một số người làm nghề may mặc tự do từ 4 tháng nay mới chỉ nhận được túi hàng cứu trợ từ phường, chưa nhận được bất kỳ một khoản tiền hỗ trợ thêm nào vì không thuộc diện 5 đối tượng được hỗ trợ đợt này theo chủ trương của TP Hồ Chí Minh.
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo quận Gò Vấp rà soát các đối tượng đang gặp khó khăn, nếu không nằm trong diện được hỗ trợ theo chủ trương của thành phố thì phải kịp thời báo cáo, đề nghị cấp trên bổ sung, tránh bỏ sót. Chính quyền địa phương cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung thêm thịt, trứng cho các gia đình ở trọ có trẻ em, nhất là những hộ khó khăn, không có điều kiện mua hàng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu chính quyền quan tâm hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh ở các nhà trọ, nhất là khi sắp khai giảng năm học mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lực lượng chức năng phải thăm, khám cụ thể tình trạng sức khoẻ, bệnh nền của F0 để xem có chống chỉ định thuốc Molnupiravir hay không, sau đó nhân viên y tế giải thích rõ và theo dõi sát trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir của từng F0. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị quận Gò Vấp tập trung chỉ đạo công tác chăm sóc, điều trị F0 ngay từ đầu để giảm tối đa số bệnh nhân phải chuyển tuyến như: Phát thuốc ngay cho những người có kết quả dương tính với SARS-CoV-2; tổ chức tập huấn cho lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ nhân viên y tế thăm hỏi trực tiếp hàng ngày F0 tại nhà; chăm lo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bà con; đồng thời phải có phương án cấp phát thuốc ngay tại nhà để F0 không phải ra ngoài hay đến các bệnh viện, phòng khám, có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Ưu tiên đặc biệt vận chuyển oxy y tế cho điều trị COVID-19
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp đảm bảo các điều kiện vận chuyển, cung ứng trang thiết bị y tế và oxy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân.
Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, cùng với đó nhu cầu về thiết bị, vật tư, oxy y tế để phục vụ điều trị người bệnh cũng tăng cao.
Việc cung ứng đầy đủ, kịp thời oxy y tế có vai trò quan trọng trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, giúp giảm nhẹ tình trạng bệnh và hạn chế tử vong của người bệnh.
Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc và đảm bảo vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng chống dịch và đời sống người dân.
Qua theo dõi, một số tỉnh/thành phố đã triển khai và thực hiện các quy định linh hoạt, phù hợp, hiệu quả đáp ứng yêu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Để phù hợp với diễn biến cùa tình hình dịch bệnh, ngay từ tầng điều trị thứ nhất, Bộ Y tế đã yêu cầu phải có sẵn các bình oxy để ngay lập tức cho bệnh nhân sử dụng khi cần.
Đặc biệt ở tầng điều trị 2, Bộ Y tế đã nhiều lần "nhắc đi nhắc lại" phải đảm bảo oxy cho tầng điều trị này- đây là tầng điều trị tối quan trọng vì nếu làm tốt công tác điều trị tại đây sẽ hạn chế được nguy cơ bệnh nhân diễn tiến nặng phải chuyển lên tầng điều trị 3 cũng như nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.
Ngày 2/9, Việt Nam có 13.197 ca dương tính mới; thêm 271 ca tử vong
Tính từ 17 giờ ngày 1/9 đến 17 giờ ngày 2/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.197 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; gồm 11 ca nhập cảnh và 13.186 ca ghi nhận trong nước.
Kể từ khi dịch xuất hiện đến nay, Việt Nam có 486.727 ca nhiễm, đứng thứ 55/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.951 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 482.497 ca, trong đó có 256.550 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 2/9, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 271 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (197 ca), Bình Dương (34 ca), Đồng Nai (8 ca), Tiền Giang (7 ca), Đồng Tháp (6 ca), Đà Nẵng (4 ca), Trà Vinh (3 ca), Nghệ An (2 ca), Hà Nội (1 ca), An Giang (1 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 ca), Bến Tre (1 ca), Bình Định (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Đắk Lắk (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Kiên Giang (1 ca), Thừa Thiên Huế (1 ca).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.138 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Hà Nội sẽ giãn cách xã hội cao hơn mức Chỉ thị 16 tại 'vùng đỏ' sau ngày 6/9
Sau ngày 6/9, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội mức cao hơn Chỉ thị 16 tại "vùng đỏ" và điều chỉnh các biện pháp cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 với "vùng cam" và "vùng xanh”.
Thành ủy Hà Nội đã ra Thông báo số 480-TB/TU về Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy đối với tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy biểu quyết 100% thống nhất chủ trương đối với phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 của TP Hà Nội (theo đề xuất của UBND TP Hà Nội). Sau đợt giãn cách thứ ba (ngày 6/9), Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.
Ba vùng gồm: Nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).
Trên cơ sở phân vùng, "vùng đỏ" có nguy cơ rất cao sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16 với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó", dập dịch triệt để.
Tại các khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn "vùng xanh", TP Hà Nội điều chỉnh biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ". Những việc này cần bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Vận hành thêm bệnh viện dã chiến 2.000 giường 'chia lửa' cho vùng đỏ ở Bình Dương
Ngày 2/9, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cùng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Bàu Bàng đã công bố đưa vào vận hành thêm bệnh viện dã chiến quy mô 2.000 giường đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay tại địa phương.
Khu điều trị dã chiến đặt tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng được lắp đặt xây dựng tại 4 xưởng sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phong Thạnh có diện tích trên 14.000 m2. Chỉ sau thời gian ngắn, đơn vị đã triển khai thành bệnh viện với quy mô 2.000 giường đáp ứng nhu cầu thu dung điều trị cho người dân mắc COVID-19 tại huyện Bàu Bàng. Dự kiến bệnh viện này còn sẵn sàng “chia lửa” cho các vùng đỏ khác trong địa bàn tỉnh.
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thăm, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch
Ngày 2/9, nhân Ngày Quốc khánh, đoàn đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến thăm, động viên và tặng quà lực lượng tuyến đầu tại bệnh viện dã chiến và trung tâm y tế điều trị COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Động viên các tình nguyện viên Phật giáo tại bệnh viện dã chiến số 10 và Trung tâm hồi sức tích cực, Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao và luôn quan tâm theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình công tác của các tình nguyện viên. Thời gian tham gia công tác tình nguyện hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tại các bệnh viện chính là thời gian để các Tăng, Ni, Phật tử thực hành pháp tu, đem đức bi - trí - dũng đi vào cuộc đời; thiết thực động viên về mặt tinh thần cho các bệnh nhân và hỗ trợ, giúp đỡ giảm tải công việc cho các y, bác sỹ.
Đã di dời 900 công dân ra khỏi ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung
Chiều 2/9, ông Võ Đăng Dũng, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội, quận đã đẩy nhanh tiến độ và đã di dời 900 người dân ra khỏi ổ dịch COVID-19 tại phường Thanh Xuân Trung.
Lộ trình của kế hoạch di dời tiến hành từ ngày 1 - 3/9, với tổng thể khoảng 1.100 người dân. Người già, người cao tuổi sức khỏe yếu, người bị bệnh tai biến, phụ nữ mang thai có bệnh, người bị bệnh nền được ở lại nhà.
Đối với 5 khu tập thể cũ được xây dựng từ những năm 1960 của Nhà máy Xà Phòng, Cao su Sao Vàng, Bóng đèn phích nước Rạng Đông hiện xuống cấp nghiêm trọng, có khoảng 300 nhân khẩu, nhưng khu vệ sinh phải sử dụng chung là nguồn nguy hiểm lây lan dịch bệnh. Vì vậy, quận cũng chú trọng việc giãn cách người dân khu vực này.
Quận lắp đặt 10 camera an ninh để theo dõi các hoạt động trong vùng dịch và cử gần 50 cán bộ túc trực ngay trong “ổ dịch” quản lý, cũng như phục vụ, tiếp tế sinh hoạt cho nhân dân còn ở lại. Quận cũng huy động tất cả các ban ngành, đoàn thể vận động quyên góp, ủng hộ, huy động xã hội hóa để giúp đỡ lương thực cho tất cả người dân trong vùng dịch.