Chỉ còn hơn một tháng nữa, ngày Tết cổ truyền dân tộc lại về trong niềm hân hoan chờ đợi của nhiều người. Những ngày này, trên khắp các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, không khí dường như đã nhộn nhịp hơn khi các nhà nông tất bật chăm lo những đặc sản phục vụ thị trường ngày Tết.
Nổi tiếng là địa phương cung cấp hoa kiểng, cây cảnh cho người dân trưng bày trong những ngày Tết cổ truyền, ngay từ tháng 9, tháng 10, nghệ nhân trồng hoa ở các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang... đã bận rộn với kế hoạch cho mùa làm ăn quan trọng nhất trong năm.
Tràn ngập hoa Tết
Làng hoa Sa Đéc thuộc phường Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) những ngày đầu năm 2013, khi ngày Tết Nguyên đán đã cận kề, như ngập chìm trong muôn hoa khoe sắc. Được xem là một trong những trung tâm hoa kiểng lớn nhất của ĐBSCL, thị xã Sa Đéc có gần 350 ha với hơn 1.900 hộ và gần 8.000 lao động chuyên trồng hoa, cây cảnh tập trung ở các phường Tân Quy Đông, An Hòa và xã Tân Khánh Đông.
“Cuộc sống của người dân thay đổi, khá giả hơn cũng nhờ bám trụ nghề trồng hoa kiểng. Bởi thế, dù kinh tế đang hết sức khó khăn họ vẫn yên tâm với nghề” - ông Nguyễn An Khương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ số 1 làng hoa kiểng Sa Đéc, cho hay.
Nghệ nhân ở làng hoa Châu Thành (Tiền Giang) đang tạo thế cây mai chuẩn bị cho thị trường Tết sắp đến. Ảnh: Thanh Vũ |
Tại làng hoa kiểng Cái Mơn thuộc huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), không khí có phần trầm lắng hơn khi các hộ trồng hoa đang chăm chút cho 2 loại cây thế mạnh của mình mỗi khi năm hết Tết về là mai vàng và cây kiểng lá. Trên con đường rợp bóng dừa về Vĩnh Bình, Vĩnh Thành..., những vườn mai, kiểng lá nối tiếp nhau khoe những đọt lá tươi xanh mơn mởn.
Trồng hoa kiểng không cần nhiều đất và có thể tận dụng các khoảng trống trong sân, vườn để chứa gốc mai và chậu kiểng cũng cho thu nhập cả chục triệu đồng mỗi vụ. Ngày Tết, mai kiểng Cái Mơn thường được chọn làm quà và theo các nghệ nhân tại đây “bật mí”, đầu tư vườn mai vừa cho lợi nhuận cao lại ít tốn công chăm sóc, đầu tư nên đang được nhiều hộ dân, nghệ nhân chuyên tâm đeo đuổi.
Sớm hơn mọi năm, từ giữa tháng 9, người trồng hoa kiểng ở làng hoa Mỹ Tho, Châu Thành... (tỉnh Tiền Giang) đã chuẩn bị cây giống, giỏ, phân, thuốc bảo vệ thực vật... tất bật bước vào vụ mới. Nghệ nhân Nguyễn Văn Đông ở cồn Thới Sơn thuộc huyện Châu Thành, cho biết, tùy theo đặc điểm sinh trưởng từng loại hoa mà người trồng hoa chọn thời điểm xuống giống hoặc lên giỏ phù hợp. Thường sớm nhất là cúc mâm xôi được trồng từ cuối tháng 7, kế đến là cúc hoa hồng, thược dược... và cuối cùng là hoa vạn thọ được xuống giống vào đầu tháng 12. “Năm nay, chúng tôi chỉ chọn lọc những mặt hàng mà thị trường ưa chuộng như: kiểng màu, kiểng trái, hoa hồng, cúc mâm xôi, mai vàng... và không dám mạo hiểm các loại lạ, giá thành cao” - ông Đông nói.
Sản lượng giảm hơn 30%
Tính toán của các nghệ nhân trồng hoa, so với vụ hoa Tết Nguyên đán 2012, chi phí sản xuất của vụ hoa Tết năm nay tăng khoảng 15% do phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, chi phí vận chuyển... đều tăng. Theo đó, trung bình chi phí năm nay tăng thêm từ 3.000 - 4.000 đồng/giỏ hoa, trong khi đầu ra đang có những tín hiệu khó khăn do sức mua trên thị trường dự báo sẽ ảm đạm khi người dân tiết kiệm tối đa chi tiêu.
“Với nhiều gia đình, hoa kiểng chưa phải là nhu cầu thiết yếu có mặt trong nhà 3 ngày Tết. Vì vậy, ngoại trừ những loại hoa kiểng bình dân dành cho người thu nhập trung bình, thấp... điều chúng tôi lo lắng nhất là các loại có giá từ 1.000.000 đồng/chậu trở lên sẽ khó khăn về đầu ra” - anh Khương lo lắng.
Từ tâm lý e ngại trên, khảo sát tại các làng hoa trọng điểm ở khu vực ĐBSCL cho thấy, do sợ lỗ nên các nghệ nhân, người trồng hoa không dám mạo hiểm và chỉ sản xuất cầm chừng. Sản lượng hoa Tết vì thế năm nay dự kiến sẽ giảm khoảng hơn 30% so với mọi năm, trong đó tập trung vào các loại hoa dành cho thị trường cao cấp như: mai vàng ghép, cây kiểng bon sai...
Tại nhiều tỉnh vốn nổi tiếng về nghề trồng hoa cung cấp cho thị trường Tết như Bến Tre, Đồng Tháp..., nhiều hộ dân đã giảm bớt diện tích trồng hoa, chuyển sang trồng cây ăn trái hoặc chăn nuôi. Chỉ tính riêng tại huyện Chợ Lách, qua thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện, diện tích trồng hoa Tết giảm 20 - 30% so với năm trước. Bên cạnh diện tích giảm, tại các làng hoa khác, do thời tiết bất lợi, các loại hoa kiểng như mai vàng, cúc... đang bắt đầu nở hoa hoặc chết khiến sản lượng hoa Tết năm nay có khả năng giảm mạnh.
Lê Nghĩa