Gần đây, thấy có người trong cơ quan mách ở khu chợ Bưởi, quận Tây Hồ (Hà Nội) có bán loại “cây ăn thịt”, vừa diệt được côn trùng, vừa trang trí ngôi nhà thêm tươi tắn nên chị Phương Dung, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình đã mua về trồng. Tuy nhiên, sau một tuần để loại cây này trong nhà, chị Dung thấy khó thở, dị ứng khắp người…
Một số loại “cây ăn thịt” được người dân mua về trồng trong nhà
Cây thay thú săn mồi
Theo lời chị Dung, biết thông tin “cây ăn thịt” có thể bắt muỗi và nhiều loại côn trùng khác, chị tìm đến khu vực chợ Bưởi, quận Tây Hồ mua về. Vậy mà, vừa để trong nhà được hơn một tuần chị đã thấy xuất hiện nhiều hiện tượng lạ. “Do thiết kế không gian mở nên phòng khách nhà tôi rất thông thoáng. Nhưng từ hôm đem “cây ăn thịt” về trồng, tôi luôn cảm thấy không khí trong phòng bí bách, nhiều lúc còn cảm thấy khó thở. Thậm chí, tôi và 2 cháu nhỏ còn bị dị ứng nổi mẩn khắp người, phải đến bệnh viện Da liễu để khám và điều trị đến bây giờ vẫn chưa khỏi…”, chị Dung lo lắng.
Có mặt tại khu vực chợ Bưởi - nơi chuyên bán các loại cây cảnh, chúng tôi được những người bán hàng giới thiệu hiện có nhiều giống “cây ăn thịt” khác nhau nhưng giống cây được nhiều người lựa chọn nhất là cây nắp ấm có hình dáng như chiếc bình nước. Mùi hương ngon ngọt đặc trưng của nó có khả năng dụ các con mồi bay về phía cây, đậu vào miệng bình. Khi đó, chất nhầy được phóng ra, lớp gai nhọn dày ở mép lá khép chặt lại và sẽ hút con vật xuống đáy để tiêu diệt. Sau đó, chất nhầy sẽ xử lý côn trùng thành chất dinh dưỡng nuôi cây.
Ngoài cây nắp ấm, chúng tôi còn được anh Nguyễn Văn Thắng - một người bán cây cảnh lâu năm ở đây cho xem một loại cây khác có hình dáng như đầu rắn, con mồi chỉ cần tiến đến gần miệng cây là bị hút vào ngay lập tức. Bên cạnh đó, còn có loại cây loa kèn vàng, bên trong lá của hoa loa kèn vàng tiết ra chất ngọt khiến côn trùng rất thích, nhưng khi ăn vào chúng sẽ bị tê liệt, rơi vào đáy hoa rồi bị phân hủy thành chất dinh dưỡng cho cây. Ngoài ra còn có cây bắt ruồi, hình dáng của nó giống như những lá xương rồng xếp thành bông hoa gai tua tủa để bắt giữ con mồi bằng chất keo dính. Khi các loại côn trùng đậu trên thân cây sẽ dễ dàng bị dính chặt vào cây, càng giãy giụa con vật càng kiệt sức và chết. Khi đó, dịch của cây sẽ chảy ra nhiều hơn để tiêu hóa con vật.
Gây hại cho sức khoẻ
Qua khảo sát của chúng tôi tại các cửa hàng bày bán cây cảnh thì “cây ăn thịt” được bán ở đây chủ yếu là cây nắp ấm, bắt ruồi, loa kèn vàng, gọng vó, đầu rắn... Những người bán hàng đều cho biết những loại cây này được nhập từ Trung Quốc, Malaysia... giá bán từ 150.000- 600.000 đồng/chậu, những cây đẹp, lạ có giá từ 800.000-1.000.000 đồng/cây. Điều thú vị là “cây ăn thịt” không sợ bất cứ loại côn trùng nào, từ ruồi, nhện, kiến, nhưng lại không thể ăn được loài bọ cánh cứng do không tiêu hóa được.
Theo PGS-TS. Đinh Duy Kháng - Viện Công nghệ sinh học, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam, không giống như động vật, cây cối có thể tự tạo ra thức ăn cho mình. Chúng lấy carbon dioxide từ không khí, nước ngầm dưới đất, ánh sáng quang hợp từ mặt trời. Tuy vậy, ngoài những thứ đó, khoáng chất cũng rất cần thiết cho sự phát triển của cây. Trên thực tế, có một vài loại cây lấy khoáng chất bằng cách trở thành “cây ăn thịt”. Thay vì lấy khoáng chất từ đất thì chúng bẫy và “ăn thịt” các loại côn trùng có hại và lấy chất dinh dưỡng từ xác những con vật sinh sống để tự nuôi cây.
Cũng theo PGS-TS. Kháng, thông thường, cây quang hợp hít khí carbon, thải oxy nhưng đối với cây ăn thịt thì khác. Trong quá trình tiêu hoá con vật, loại cây này sẽ thải ra một số chất có hại. Những chất đó dùng để tiêu hoá con vật mà chúng đã “ăn thịt” nên cần oxy. Vì thế, lượng oxy thải ra không nhiều như cây thực vật quang hợp bình thường. Chất mà “cây ăn thịt” thải ra trong quá trình tiêu hoá, tuỳ từng loại côn trùng mà nó ăn vào, sẽ gây hại cho con người. Khi tiếp xúc với những chất này, tuỳ cơ địa của từng người, có thể gây ra dị ứng. Những người không chịu được hương, phấn cây sẽ bị dị ứng, mẩn ngứa khắp người. Hơn nữa, trong quá trình tiêu hoá côn trùng, cây sẽ thải ra chất ảnh hưởng đến môi trường, nhất là khi để trong nhà. Hiện nay có rất nhiều loại cây cảnh ngoại được nhập về Việt Nam. Vì vậy, khi chọn mua những loại “cây ăn thịt”, người dân cần tìm hiểu rõ nguồn gốc và tác dụng của nó với môi trường, sức khoẻ con người, đừng bị vẻ đẹp của những loại cây này đánh lừa.
Theo anninhthudo