Kỳ vọng chính sách hỗ trợ
Ngồi trong căn nhà chống chếnh vì không có mấy đồ đạc của người chủ tàu cá giờ phải bươn chải làm thuê để nuôi 4 người con, ngư dân Nguyễn Văn Quang sinh năm 1970 (Hậu Lộc, Thanh Hoá) kể cho chúng tôi về hành trình 6 năm bám biển cùng tàu "67”.
“Nhờ có chương trình vay vốn theo Nghị định 67, tôi được lựa chọn là ngư dân được vay vốn ngân hàng đóng tàu sắt với giá trị 18,4 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp cá nhân là 1,2 tỷ đồng. Thời hạn cho vay vốn là 11 năm, lãi suất 7%/năm” - chủ tàu TH92688 bắt đầu câu chuyện về chiếc tàu cá vỏ sắt đang hoạt động cầm chừng tại vùng biển Cam Ranh (Khánh Hòa).
Cuối năm 2016, con tàu "67” của gia đình được hạ thủy, cũng là ngày khởi đầu cho những ngày tháng đầy khó khăn vì nhiều lý do của ngư dân giỏi của vùng biển Hậu Lộc Nguyễn Văn Quang. Chuyến ra khơi đầu tiên gặp tai nạn khiến 1 người bị tử vong. Con tàu phải về bờ đậu một thời gian. Sau đó, tàu ra khơi lúc được lúc mất, lúc dư dả thì phải chi tiền nhiều vào sửa chữa, máy móc.
“Làm dân biển làm sao biết được lúc nào được lúc nào không mà đi, mà ở nhà. Cứ vay mượn để làm mong Trời thương, lúc lỗ lãi không có tiền dư, đầu tư lại vay mượn. Đi biển cùng “tàu 67” mấy năm trời, thua lỗ nên tôi đã phải bán mảnh đất được hơn 1 tỷ đồng để trả nợ và mua dầu hơn 400 triệu đồng để ra khơi vào vùng biển Kiên Giang nhưng vẫn bị lỗ gần 200 triệu vì đường di chuyển dài”, anh Quang tâm tư.
Giai đoạn 2020 - 2021, giá nhiên liệu tăng cao, đại dịch COVID-19 bùng phát, anh vẫn cố gắng hoạt động chiếc tàu "67”, để cố gắng tàu không hư hỏng do nằm bờ lâu.
Quyết tâm bám biển, nhưng theo anh Quang, tới thời điểm hiện tại, chi phí mỗi chuyến biển ít nhất cũng phải là 400 - 450 triệu đồng. Trong đó, chủ yếu là tiền mua nhiên liệu, thuê nhân công. Tuy vậy, khi ra khơi đánh bắt thì hiệu quả mang lại không cao, chỉ đánh được mấy chục tấn cá. Mà với mức giá hiện tại, cả chục tấn mới được 50 - 60 triệu đồng.
“Chuyến lãi bù chuyến lỗ, kể ra không phải sửa chữa thì cũng còn doanh thu, có tiền trả vốn vay. Nhưng hỏng miết, chuyến vừa rồi cũng hỏng tời, tính ra mua đồ cũng hết mấy chục triệu tiền thay thế”, anh Quang chia sẻ về lý do vì sao trong suốt năm nay, anh vẫn mãi ôm nợ.
“Nếu ngân hàng quyết định thu lại tàu chúng tôi cũng chấp nhận. Còn nỗi lòng của người ngư dân như chúng tôi là vẫn muốn bám biển vì… không theo biển thì biết làm gì. Hy vọng nhà nước dành những ưu tiên cho ngư dân làm biển đã từng tiếp cận với Nghị định 67 có điều kiện vay vốn tái đầu tư, tháo gỡ khó khăn để từng bước trả nợ”.
Clip ngư dân Nguyễn Văn Quang chia sẻ về khát khao vươn khơi, bám biển:
Cũng như trường hợp của anh Quang, ngư dân Hồ Sỹ Thọ (xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cũng hy vọng Chính phủ sớm có giải pháp để cho người dân có điều kiện làm nghề biển vì hiện giờ với những ngư dân ôm nợ xấu, có muốn vay vốn đầu tư làm ăn cũng không thể được.
Ngư dân Phạm Văn Sơn (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá) thì kỳ vọng có thể được khoanh nợ, khi anh đang đứng trước nguy cơ phải vay “tín dụng đen” để trả nợ cho người họ hàng.
Vì chủ quyền biển đảo
Chia sẻ với báo Tin tức, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong việc triển khai tàu "67". Theo đó, đại diện Hội Nghề cá Việt Nam bày tỏ nguyện vọng: “Các cơ quan chức năng phải có tính toán sắp xếp để cân đối số lượng tàu, tổ chức lại khâu sản xuất trên biển, tái cơ cấu ngành thủy sản.
Các tàu "67” hoạt động kém hiệu quả dù có số lượng nhỏ thì vẫn phải có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ để giúp ngư dân vực lại sản xuất, chứ không thể buông bỏ họ được. Các ngân hàng cũng không nên vội vã siết nợ, bán thanh lý tàu với giá rẻ mạt. Những ngư dân đánh bắt xa bờ, ngoài làm kinh tế, họ cũng tự nguyện lãnh trách nhiệm thiêng liêng là tham gia gìn giữ và bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam”.
Có thể thấy, ra khơi bám biển lúc này không chỉ để mưu sinh mà còn để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chính sự góp sức của tất cả các cơ quan chức năng cùng ngư dân tham gia trong quá trình triển khai Nghị định 67 đã góp phần thực hiện với kỳ vọng đưa khai thác thủy, hải sản trở thành ngành nông nghiệp mũi nhọn, xây dựng những đội tàu công suất lớn vươn khơi bám biển khai thác thủy sản, giảm số lượng tàu nhỏ đánh bắt gần bờ, nhằm tránh nguy cơ cạn kiệt trữ lượng hải sản gần bờ, khẳng định vị thế quốc gia có tới 3.260km đường bờ biển giàu đẹp.
Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ năm 2014 về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67 đã mang đến cơ hội để các tỉnh ven biển có điều kiện đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá, đóng mới, cải hoán tàu cá đánh bắt xa bờ.
Tuy nhiên sau hơn 7 năm, nhiều tàu cá vỏ thép trở thành khoản nợ xấu rất lớn mà cả ngân hàng cho vay và chủ tàu đều không mong muốn. Sửa đổi chính sách và những bổ sung, hỗ trợ kịp thời đang là đòi hỏi thực tế từ nhiều phía tham gia vào quá trình thực hiện Nghị định 67 để đưa những con tàu thực sự vươn khơi.
Bài 4: Ngân hàng khao khát cơ chế đặc thù