Vì vậy, các bậc phụ huynh cần cẩn trọng, nhắc nhở con em mình khi đi tắm sông, suối; quản lý chặt con em mình để tránh những trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Trẻ tắm sông mà không có người lớn trông nom tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước. Ảnh: Hải Yến/TTXVN |
Tại tỉnh Kon Tum, các vụ đuối nước xảy ra trong thời gian qua chủ yếu ở các vùng nông thôn. Đặc biệt, vào dịp nghỉ hè của học sinh, ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các em được nghỉ học thường theo cha mẹ lên rẫy rồi tự đi tắm sông, suối. Bên cạnh đó, tập tục sống tại nơi canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số và tắm sông, suối, ao hồ cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ xảy ra đuối nước.
Các tỉnh Tây Nguyên là nơi tập trung nhiều ao, hồ chứa nước phục vụ cho việc tưới tiêu các loại cây công nghiệp. Trong khi đó, việc rào chắn, cảnh báo nguy hiểm tại nhiều khu vực còn sơ sài nên nguy cơ xảy ra các trường hợp đuối nước ở những khu vực này rất cao. Ngoài ra, các khu công nghiệp sản xuất gạch, ngói còn có các hố sâu do quá trình khai thác đất phục vụ sản xuất.
Trong những ngày đầu tháng 6/2017, địa bàn hai huyện miền núi Kon Rẫy và Đăk Glei của tỉnh Kon Tum đã xảy ra hai trường hợp đuối nước thương tâm. Chiều 3/6, một vụ đuối nước đã xảy ra tại thôn Đăk Xanh, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei. Hai cháu Y Thủy Trúc (sinh năm 2011) và Kring Sa Quân (sinh năm 2014) là chị em họ, đã tử vong. Theo thông tin ban đầu, hai cháu nhỏ theo bố mẹ lên rẫy ở thôn Đăk Xanh để chơi và trong quá trình đi chơi ở khu rẫy đã không may sảy chân xuống ao. Do mải làm, bố mẹ các cháu không để ý, đến khi phát hiện hai cháu nhỏ đã tử vong.
Trước đó, một trường hợp cháu nhỏ tử vong do đuối nước tại xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy).