Trước sự việc gần đây có một số doanh nghiệp tìm đến huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, mua lá xoài khô, UBND huyện Cam Lâm đã có văn bản số 1054/UBND về việc “Vận động nông dân sử dụng lá xoài trong sản xuất nông nghiệp” gửi các xã, thị trấn, vận động người dân giữ lại lá xoài khô như một biện pháp chăm sóc, bón phân cho vườn xoài, hạn chế chi phí sản xuất. Người dân phơi lá xoài khô để bán. Ảnh: xaluan.com |
Văn bản nêu rõ, lá xoài đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định năng suất cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng. Cam Lâm là vùng thường xuyên thiếu nước, nhất là mùa khô hạn; mặt khác đất trồng xoài là đất cát pha, khả năng giữ nước kém, nên lá xoài khô, rụng, có chức năng ủ gốc, giữ ẩm, hạn chế bốc thoát hơi nước. Đồng thời, lá xoài khô là một nguồn phân hữu cơ sẵn có, góp phần bổ sung chất hữu cơ cho đất, giúp đất màu mỡ, hạn chế chi phí bón phân hóa học. Chính vì thế, người dân không nên thu gom, bán lá xoài, tránh làm ảnh hưởng đến sức sống, năng suất, chất lượng cây xoài, cũng như ảnh hưởng đến đất đai, chi phí sản xuất.
Ngoài ra, trước việc nhiều người dân hái cả lá xoài xanh trên cây rồi phơi khô để bán, văn bản UBND huyện cũng nêu rõ: Lá xoài đóng vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp, là nhân tố quyết định đến sức sống, khả năng ra hoa, trái của cây xoài. Do đó, việc hái lá xanh đã làm ảnh hưởng không tốt đến sự sinh trưởng của cây, khiến năng suất và chất lượng quả xoài giảm...
Cho ý kiến về sự việc này, ngày 10/5, bà Nguyễn Thị Thạnh, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm nhấn mạnh: Chúng tôi không khẳng định việc thu gom lá xoài mang mục đích phá hoại, nên chỉ khuyến cáo người dân, chứ hoàn toàn không cấm việc mua bán. "Hiện tại, số doanh nghiệp thu mua lá xoài đã rút hết nhân viên khỏi địa bàn huyện", bà Thạnh thông tin thêm.
Được biết, huyện Cam Lâm có diện tích xoài xấp xỉ 3.000 ha. Các doanh nghiệp mua lá xoài đến từ Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh. Có thông tin cho rằng, các doanh nghiệp này mua lá xoài khô làm nguyên liệu để trồng, sản xuất nấm.
Tiên Minh