Việt Nam là nước đứng thứ ba thế giới về sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng. Giờ đây, tín ngưỡng, tôn giáo đã trở thành nhu cầu của đông đảo người dân. Điều này đòi hỏi phải nhìn nhận về tôn giáo, tín ngưỡng một cách khách quan và toàn diện hơn so với trước.
Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ ông Bùi Thanh Hà chiều 28/8 tại Hà Nội tiếp đoàn Uỷ ban Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ do bà Prof Mary Ann Glendon (ủy viên) dẫn đầu. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã dành cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cuộc phỏng vấn về những thành tựu công tác tôn giáo sau 30 năm đổi mới cũng như những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo giai đoạn hiện nay.
* Qua các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quan trọng, vậy xin ông cho biết những thành tựu nổi bật trong công tác tôn giáo qua 30 năm đổi mới, thể hiện tự do tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam từ chính sách đến cuộc sống? Trong giai đoạn hiện nay, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cần được đặt ra như thế nào?
Nói về thành tựu 30 năm đổi mới về công tác tôn giáo, trước hết phải nói về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo. Trong 30 năm đổi mới, những quan điểm, chủ trương, chính sách pháp luật về tôn giáo được đổi mới thể hiện rất rõ, bắt đầu từ nghị quyết của Đảng, Nghị quyết số 24 năm 1990, Nghị quyết số 25 năm 2003.
Trên tinh thần Nghị quyết của Đảng đã được cụ thể hóa bằng các quy định của pháp luật, từ Nghị định 69, Nghị định 26 và đặc biệt là Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, những nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Các chính sách pháp luật đều thể hiện quan điểm cũng như chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo rất rõ.
Thứ hai là sự đổi mới đó được thể hiện ở đời sống tôn giáo Việt Nam. Sinh hoạt tôn giáo hiện nay của người dân đã được thực hiện rất tốt và bình thường theo các quy định pháp luật tại các cơ sở tôn giáo, cũng như tại gia đình, tại các điểm hợp pháp khác. Rất nhiều tổ chức tôn giáo trước đây có phạm vi hoạt động trong một tỉnh, một địa phương chưa có điều kiện để thực hiện các hoạt động tôn giáo chưa được ghi nhận thì nay đã được ghi nhận và tổ chức các hoạt động tôn giáo rất tốt.
Đặc biệt về công nhận tổ chức tôn giáo, trước khi thực hiện công cuộc đổi mới, có 3 tổ chức tôn giáo được công nhận đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tổng hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) thì đến nay chúng ta đã công nhận thêm 35 tổ chức tôn giáo và như vậy hiện có 38 tổ chức tôn giáo, pháp môn tu của 14 tôn giáo ở Việt Nam được công nhận.
Thứ ba, về việc mở các trường đào tạo chức sắc, đây cũng là điểm thể hiện rất rõ chủ trương, chính sách pháp luật của nước ta. Trước đây, vấn đề đào tạo chức sắc mới chỉ ở bên Phật giáo và một số trường Công giáo, nhưng đến nay đã có 13 trường đào tạo cử nhân tôn giáo của các Giáo hội, 40 trường đào tạo trung cấp và cao đẳng của các tổ chức tôn giáo và rất nhiều lớp đào tạo tôn giáo. Hiện nay có khoảng 13.000 người đang học ở các trường đào tạo tôn giáo. Đặc biệt là đã có trên 1.000 người của các tổ chức tôn giáo đang học thạc sỹ, tiến sỹ ở các nước.
Thứ tư, về việc xây dựng cơ sở thờ tự. Phải nói đây cũng là một trong những điểm chúng ta rất dễ nhìn thấy bởi từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, trên 80% cơ sở thờ tự tôn giáo đã được sửa chữa, xây dựng mới, trong đó khoảng 30% cơ sở tôn giáo được xây dựng rất căn bản và sửa chữa lớn, trên 3.000 cơ sở thờ tự được xây dựng và đặc biệt là các địa phương đã cấp hàng trăm ha đất để các tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở thờ tự.
Cùng với việc xây dựng cơ sở thờ tự, việc in ấn xuất bản kinh sách, đồ dùng cho việc sinh hoạt tôn giáo cũng được thực hiện một cách rất cởi mở và rất tốt. Từ năm 1999, khi Nhà xuất bản Tôn giáo được thành lập, mỗi năm chúng ta đã cho phép in và xuất bản tới 5.000 đầu sách về tôn giáo, hàng triệu bản in về sách tôn giáo.
Một trong những điểm thể hiện rất sôi động, đó là quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo. Trong những năm qua, hoạt động quốc tế của tổ chức tôn giáo diễn ra rất sôi động, thể hiện ở rất nhiều đoàn quốc tế của các tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam cũng như các đoàn của các tổ chức tôn giáo Việt Nam ra nước ngoài và đặc biệt là nhiều hoạt động lớn của các tổ chức tôn giáo đã diễn ra ở trong nước như Đại lễ Vesak năm 2008 và năm 2014, Đại hội của Hội đồng Giám mục các nước châu Á…
Đời sống tôn giáo ở Việt Nam trong những năm qua đã thể hiện rất rõ sự đổi mới, cởi mở, ghi nhận và sự tạo điều kiện khuyến khích của Nhà nước trên các hoạt động của chức sắc, tín đồ và tổ chức cá nhân để góp phần trong việc phát triển xã hội, đó là đổi mới căn bản.
Về định hướng trong công tác tôn giáo, quản lý nhà nước về tôn giáo, trong thời gian tới chúng ta phải có cái nhìn về tôn giáo, tín ngưỡng một cách khách quan và toàn diện hơn, đó là điểm hết sức căn bản. Trước đây ta coi tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của bộ phận người dân thì nay tỷ lệ này là khá cao, phải coi đó là một nhu cầu của đông đảo người dân.
Bên cạnh đó, cần đánh giá được vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng, thông qua đó, sẽ phát huy được mặt tích cực của các tôn giáo về văn hóa, đạo đức, các vấn đề khác của tôn giáo cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Để làm được điều đó, trong định hướng, phải tiếp tục có những bổ sung, hoàn thiện về mặt quan điểm với các tôn giáo cũng như công tác tôn giáo, các quy định pháp luật về tôn giáo, chính sách tôn giáo để phát huy được các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tôn giáo tốt hơn.
Thứ nữa, cần đẩy mạnh và mở rộng các quan hệ quốc tế thông qua các tổ chức tôn giáo. Đây cũng là một kênh đối ngoại nhân dân rất tốt, thông qua đối ngoại về mặt tôn giáo, tạo được sự đoàn kết không chỉ đối với đồng bào tôn giáo trong nước mà cả đồng bào ta ở nước ngoài.
Việt kiều ở các nước có tín ngưỡng tôn giáo chiếm tỷ lệ rất lớn nên mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước thông qua tôn giáo cũng là một việc hết sức cần thiết, là nơi để bà con hướng về Tổ quốc, cũng là nơi để các tổ chức tôn giáo quốc tế hiểu Việt Nam hơn.
* Hệ thống pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của nước ta ngày càng được hoàn thiện, vậy thưa ông, Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo đang xây dựng trình Quốc hội có những điểm gì mới nhằm tạo hành lang pháp lý để các tôn giáo hoạt động đúng đường hướng, phù hợp với chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước ta?
Trong dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo trình Quốc hội tới đây đã có những điều chỉnh thể hiện tinh thần đổi mới theo đúng quy định của Hiến pháp, các công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia ký kết và cũng giải quyết tốt hơn nhu cầu của người dân đối với tín ngưỡng tôn giáo.
Điểm đầu tiên phải nói rằng dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi chủ thể của quyền tín ngưỡng tôn giáo mà trước đây chúng ta quy định là công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo thì nay quy định là mọi người để khẳng định đây là quyền con người chứ không phải là quyền công dân như trước.
Điểm thứ hai là trước đây, việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo được coi là điều kiện để xem xét công nhận tổ chức tôn giáo nhưng nay việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo chỉ để coi là nhu cầu của người dân, không được coi là điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo nên toàn bộ tiến trình để công nhận tổ chức tôn giáo từ 23 năm nay giảm xuống chỉ còn 10 năm.
Điểm thứ ba là điều chỉnh lại thẩm quyền về việc chấp thuận các hoạt động lớn của các tôn giáo như vấn đề mở trường, phong chức, phong phẩm, tổ chức hội nghị, đại hội của các tôn giáo, thẩm quyền đó được điều chỉnh cho phù hợp để làm sao giải quyết nhanh gọn theo đúng tinh thần cải cách hành chính.
Điểm thứ tư là bổ sung một số quy định liên quan tới sinh hoạt tôn giáo cho người nước ngoài. Đây là điểm hoàn toàn mới. Người nước ngoài có thể được phép tổ chức sinh hoạt tôn giáo riêng và được mời các tổ chức, cá nhân tôn giáo từ nước ngoài vào để thực hiện các sinh hoạt tôn giáo, được tham gia các khóa đào tạo, các lớp bồi dưỡng cũng như các trường đào tạo ở Việt Nam, được phong chức phong phẩm nếu họ có phục vụ các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Như vậy, đối với người nước ngoài, các sinh hoạt và việc tổ chức hoạt động tôn giáo của họ cũng gần như các công dân Việt Nam .
Dự thảo Luật cũng bổ sung các hoạt động xã hội của các tổ chức tôn giáo, phát huy vai trò của các tôn giáo, đặc biệt trên các lĩnh vực hoạt động xã hội. Với quy định này, các hoạt động xã hội sẽ được mở rộng theo quy định của pháp luật có liên quan để các tổ chức tôn giáo có thể tham gia một cách tích cực, đặc biệt là các hoạt động y tế, nhân đạo từ thiện được khuyến khích thực hiện.
Trong dự thảo luật, có chương liên quan đến thanh tra, kiểm tra. Đây là hoạt động lâu nay các tổ chức tôn giáo cũng như là chính quyền địa phương rất mong muốn có cơ quan thanh tra, kiểm tra về quá trình thực hiện chính sách tôn giáo.
Một điểm cũng đáng chú ý, đó là dự thảo luật đã có quy định về việc liên quan đến tạm đình chỉ, đình chỉ và thu hồi các quyết định thành lập liên quan đến các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc cũng như các cơ sở đào tạo mà trước đây chúng ta chưa có quy định này. Những cá nhân, tổ chức liên quan tới vi phạm các quy định pháp luật, các điều cấm thì có thể tạm đình chỉ, đình chỉ, thu hồi quyết định để các tổ chức tôn giáo hoạt động tốt hơn.
Ngoài ra, một số quy định cụ thể khác để đảm bảo tốt hơn quyền tự do tôn giáo của người dân cũng như quyền của các tổ chức tôn giáo được quy định trong dự thảo luật.
* Thưa ông, tôn giáo là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, các thế lực thù địch thường lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam, vậy cần nhận thức rõ những âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của chúng thế nào để có biện pháp xử lý kịp thời?
Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước cũng như hiện nay, tôn giáo, tín ngưỡng lúc nào cũng được coi là lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Lâu nay chúng ta vẫn thấy các thế lực xấu âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc, làm chia rẽ giữa người có đạo và người không có đạo, giữa những người có tín ngưỡng khác nhau. Đây là điểm chúng ta cần phải nắm rõ để xử lý sao cho kịp thời, không ảnh hưởng tới công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.
Muốn làm được điều đó, trước hết phải phân biệt được đâu là hoạt động tôn giáo, đâu là hoạt động lợi dụng tôn giáo. Thực tế cho thấy những thủ đoạn lợi dụng tôn giáo thường diễn ra ở một số việc như hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc đường lối chính sách; kích động một số người cuồng tín, nhẹ dạ cả tin để gây rối an ninh trật tự, cao hơn là gây rối biểu tình, bạo loạn như ở Tây Nguyên, Tây Bắc thời gian qua.
Thứ nữa là họ vận động các thế lực bên ngoài bao gồm cả các đối tượng gây rối, các tổ chức, chính khách để có cái nhìn không đúng về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam, thông qua đó để cô lập, nói xấu, làm ảnh hưởng tới hình ảnh của đất nước ta trên trường quốc tế. Hoặc là họ hậu thuẫn cho các đối tượng xấu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để có những hoạt động chống chính quyền nhà nước, mua chuộc, lôi kéo, xúi giục đồng bào dân tộc thiểu số có những hoạt động tụ tập đông người, vượt biên, gây ra những điều không tốt.
Trong điều kiện hiện nay, với sự bùng nổ thông tin thì việc nắm bắt để xử lý những vấn đề này là hết sức cần thiết, đòi hỏi những người làm công tác tôn giáo phải có sự hiểu biết rất tốt về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; có những quan điểm, lập trường cụ thể và vững vàng.
Người làm công tác tôn giáo, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo phải nắm bắt được tình hình, cũng như âm mưu, thủ đoạn chống đối từ xa để có biện pháp vô hiệu hóa, đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ các hoạt động lợi dụng tôn giáo. Có như vậy mới đảm bảo được vấn đề tôn giáo trong giai đoạn hiện nay tốt hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!