Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40, sáng 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo, bởi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng được nêu trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người và Công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị mà Việt Nam là thành viên.

Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình trình bày tờ trình. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản, quan trọng của con người: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng cần có tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo để có đầy đủ cơ sở, điều kiện nâng Pháp lệnh lên thành Luật.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đề nghị ban soạn thảo cần tổng kết tình hình tôn giáo chung hiện nay, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước để quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho mọi người thực hiện quyền tự do tôn giáo; làm rõ hơn các điểm bất cập trong thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo thời gian qua; xây dựng các quy định chặt chẽ hơn để tạo điều kiện cho tôn giáo tự do hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: Dự thảo Luật cần điều chỉnh cả lĩnh vực tín ngưỡng để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tạo hành lang pháp lý đầy đủ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng và định hướng cho các hoạt động tín ngưỡng được thực hiện một cách lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn truyền thống của dân tộc.

Nhiều đại biểu nhận định kết cấu của dự thảo Luật chưa hợp lý khi chỉ dành 1 chương riêng về hoạt động tín ngưỡng (5 Điều) trong khi có 5 chương riêng về tôn giáo (38 Điều). Ban Soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung nội dung về tín ngưỡng và điều chỉnh lại bố cục dự thảo Luật để khắc phục sự bất hợp lý này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông phân tích: Dù có điểm chung giao thoa nhau là: "đức tin" nhưng tôn giáo và tín ngưỡng là hai khái niệm khác nhau cần quy định rõ ràng trong Luật. Nếu dự thảo Luật quy định tự do tôn giáo và tín ngưỡng chung sẽ rất khó phân định ranh giới và việc thi hành trong thực tiễn rất khó khăn bởi tín ngưỡng và tôn giáo là khác nhau.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần có những quy định rõ ràng nếu không sẽ lẫn lộn giữa niềm tin tôn giáo, niềm tin tín ngưỡng và lễ hội văn hóa. Hoạt động tín ngưỡng được quy định tại dự thảo Luật chủ yếu là về lễ hội văn hóa.

Khái niệm về tín ngưỡng cần được làm rõ, bởi ở Việt Nam, vấn đề tín ngưỡng liên quan đến việc thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thành hoàng… chứ không chỉ là lễ hội văn hóa. Tín ngưỡng liên quan rất lớn đối với cộng đồng, đó là niềm tin tâm linh của con người đối với những giá trị, hình tượng, đạo lý… rất đa diện.

Liên quan đến quy định quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là những quyền mang yếu tố tinh thần, tâm linh, do đó quản lý nhà nước phải mang tính đặc thù.

Việc quy định nội dung và hình thức quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cần được xem xét dưới góc độ các biện pháp của Nhà nước để bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề xuất Ban soạn thảo cần bổ sung thêm một số điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của người dân trong nước và người nước ngoài ở Việt Nam để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, hài hòa với quản lý nhà nước, đáp ứng quy định tại điều 24 của Hiến pháp năm 2013.


Xung quanh quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần quy định nội dung này trong dự thảo Luật, tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được làm gì, không được làm gì, đồng thời là căn cứ để cơ quan chức năng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Tuy vậy, nhiều đại biểu nhận định: Một số hành vi bị nghiêm cấm còn khái quát, khó định lượng. Mặt khác, dự thảo Luật mới chỉ quy định những hành vi bị nghiêm cấm chung mà chưa làm rõ hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với cá nhân, hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với tổ chức, dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, khó xác định chế tài xử lý.

Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng quy định này cũng như pháp luật có liên quan để vừa làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm phù hợp với các trường hợp và lý do hạn chế quyền con người theo quy định của Hiến pháp, vừa mang tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các quy định về hành vi bị nghiêm cấm của dự án Luật cần có nội dung: Cấm hình thức lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...

Đồng thời, các đại biểu cũng kiến nghị Ban soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra và các bộ, ngành liên quan, các Ủy ban của Quốc hội rà soát, nghiên cứu các quy định của dự thảo Luật cho đồng bộ với hệ thống luật pháp hiện hành; bổ sung thêm các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để có đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét.

Cũng trong phiên họp buổi sáng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; về hoạt động tín ngưỡng; về hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo...

Phúc Hằng (TTXVN)
Việt Nam đối thoại về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tại LHQ
Việt Nam đối thoại về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tại LHQ

Hội đồng Nhân quyền LHQ đã ghi nhận kết quả của Việt Nam trong việc các Mục tiêu thiên niên kỷ cũng như cải thiện các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN