'Cần mạnh tay dẹp bỏ các tạp chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích'

Báo và tạp chí là hai hình thức sản phẩm báo chí, có những điểm tương đồng, nhưng cũng có nhiều sự khác biệt về tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, độc giả. Tuy nhiên, một số tờ tạp chí điện tử hiện nay cố tình làm sai chức năng, "báo hóa tạp chí", vi phạm pháp luật, gây bức xúc dư luận. Phóng viên báo Tin tức đã phỏng vấn PGS,TS. Hà Huy Phượng, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về vấn đề này.

Phóng viên: Dưới góc độ học thuật, theo ông có những loại tạp chí phổ biến nào? Sự khác biệt giữa báo và tạp chí là gì, thưa ông?

PGS,TS. Hà Huy Phượng: Phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay có 3 nhóm tạp chí, gồm: Các tạp chí lý luận chính trị; các tạp chí khoa học; các tạp chí chỉ dẫn - giải trí.  

Tạp chí lý luận chính trị là cơ quan ngôn luận của các tổ chức chính trị, giới lý luận chính trị. Nhóm tạp chí này có chức năng, nhiệm vụ đăng tải các bài viết luận bàn về ý thức hệ tư tưởng tiến bộ của các chính trị gia, các nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực chính trị. Ở Việt Nam, nhóm tạp chí này do các cơ quan của Đảng ở Trung ương và địa phương xuất bản. Các tạp chí này là diễn đàn công bố các nghiên cứu, quan điểm, đường lối, nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước Việt Nam và các tư tưởng, lý luận cách mạng tiến bộ trên thế giới.

Tạp chí khoa học là cơ quan công bố kết quả nghiên cứu khoa học của giới học thuật được thể hiện thông qua các bài báo khoa học. Nhóm tạp chí này gồm có hai lĩnh vực, đó là tự nhiên và xã hội. Bài báo đăng trên các tạp chí này, nếu đủ các tiêu chuẩn về học thuật do các tổ chức khoa học cấp chỉ số sẽ được tính điểm khoa học. Công chúng của các tạp chí khoa học chủ yếu là giới học thuật.

Tạp chí chỉ dẫn - giải trí là cơ quan đăng tải các bài viết chỉ dẫn, hướng dẫn để độc giả nắm bắt, cung cấp tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm, thư giãn, giải trí, nhất là đối với những thông tin thuộc các lĩnh vực chuyên sâu, chuyên biệt như: kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, kỹ thuật, ẩm thực... Công chúng của nhóm tạp chí này theo tính chất đặc thù của từng nội dung chỉ dẫn - giải trí đăng tải.

Như vậy, qua nhận diện 3 nhóm tạp chí phổ biến, bước đầu chúng ta đã hình dung ra được giữa báo và tạp chí có những sự khác biệt. Khác biệt lớn nhất giữa báo và tạp chí, đó là tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, độc giả. Các tờ báo thực hiện chức năng thông tin thời sự, cập nhật; thực hiện nhiệm vụ cổ vũ, động viên, định hướng dư luận xã hội cho công chúng đối với các sự kiện, vấn đề “nóng” xảy ra trong đời sống xã hội. Các tạp chí có chức năng thông tin lý luận, học thuật, thông tin chỉ dẫn - giải trí; thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, trao đổi học thuật, chỉ dẫn về những vấn đề cụ thể mà thực tiễn đang đặt ra, cần được giải quyết.

Phóng viên: Ông có suy nghĩ gì về hiện tượng một số tờ tạp chí điện tử đang cố tình hoạt động như các tờ báo điện tử (còn gọi là hiện tượng “báo hoá tạp chí”)?  

PGS,TS. Hà Huy Phượng: Đúng là gần đây có hiện tượng một số tờ tạp chí điện tử thực hiện chức năng, nhiệm vụ thông tin học thuật và thông tin chỉ dẫn - giải trí, nhưng lại “lấn sân” sang chức năng, nhiệm vụ của các tờ báo điện tử, cố tình đăng tải các thông tin “hot”, “trend”, giật gân, sai sự thật. Mục đích lớn nhất mà các tạp chí này nhằm câu khách, thu hút nguồn quảng cáo, tài trợ, làm giàu bất chính.    

Chú thích ảnh
 Giao diện Tạp chí điện tử TTV, đơn vị bị Cục Báo chí xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 44 triệu đồng. Ảnh: Chụp màn hình. 

Sai phạm này bắt đầu từ cá nhân nhà báo ở các tạp chí điện tử trá hình. Không chỉ cá nhân nhà báo đó nhũng nhiễu, mà còn liên kết, tạo ra một nhóm gồm những "đồng nghiệp" thân cận ở các tạp chí khác nhau, khi phát hiện các cá nhân, tổ chức "có nghi vấn" là cùng hùa theo, thay nhau "đánh", tống tiền...

Ví dụ, có một trường học phổ thông, do sơ suất gây ra sự cố về môi trường nhà vệ sinh công cộng. Phóng viên hợp đồng của một tờ tạp chí điện tử đã nắm được thông tin, liên lạc hẹn gặp lãnh đạo nhà trường để phỏng vấn, dọa đăng bài nếu không chi tiền. Lãnh đạo nhà trường đành ngậm ngùi chi tiền. Ngay sau đó, phóng viên nọ đã "phím”, “nhượng” lại “nguồn tin” cho một vài phóng viên ở các tờ tạp chí điện tử, trang tin điện tử khác tiếp tục hẹn “gặp phỏng vấn”, doạ nạt và vòi vĩnh.

Sai phạm của các tạp chí rất nghiêm trọng. Nó làm tổn hại đến uy tín của cá nhân, tổ chức xã hội; làm suy giảm niềm tin của công chúng với các nhà báo chân chính, cũng như đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Phóng viên: Nguyên nhân nào dẫn tới thực trạng "báo hóa tạp chí” và sai phạm của một số tạp chí điện tử trong thời gian vừa qua, thưa ông?

PGS,TS. Hà Huy Phượng: Có nhiều nguyên nhân, thứ nhất là do công tác quản lý Nhà nước về báo chí. Trước đây, hoạt động quản lý nhà nước về báo chí còn chưa thực sự sâu sát, có nhiều kẽ hở dẫn tới sự vi phạm của các báo, tạp chí, nhà báo. Việc cấp phép xuất bản báo, tạp chí dễ dãi, tràn lan, trong đó có các tạp chí điện tử. Điều này dẫn tới việc “mở đường” cho ra đời các "tạp nham chí". Một số tạp chí lấn lướt sang "đất" hoạt động của các tờ báo để sản xuất tin tức “nóng’, giật gân, câu khách.

Có tạp chí điện tử còn tự in Thẻ Phóng viên để cấp cho phóng viên, công tác viên hành nghề, dọa nạt cơ sở, dẫn tới sai phạm.    

Thứ hai, một số cơ quan chủ quản báo chí gần như phó mặc cho các tạp chí điện tử hoạt động, sống vật vờ, tự bươn trải, dẫn đến họ phải tìm mọi cách để "sống", sẵn sàng đưa tin giật gân, câu khách, tống tiền, vi phạm pháp luật.

Thứ ba, do cơ chế, chính sách và luật pháp chưa thực sự hoàn thiện, nên đã tạo nhiều kẽ hở cho các cá nhân, tổ chức "lách luật", vi phạm. Đây là môi trường tốt để "bầy kền kền" phóng viên, cộng tác viên yếu kém về đạo đức nghề nghiệp kéo đến rỉa mồi.

Thứ tư, do trình độ chính trị, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận không nhỏ các nhà báo, cộng tác viên của các tòa soạn nói chung, của các tạp chí điện tử nói riêng dẫn tới sai phạm.

Một nguyên nhân nữa là do các toà soạn tạp chí chưa hiểu rõ tính chất, chức năng, nhiệm vụ của mình, đã chạy theo tính chất thông tin của các tờ báo. Việc “nhầm vai” này, nhưng do không đủ năng lực sản xuất thông tin thời sự, cập nhật, khách quan, chân thực nên đã bị sa đà vào những thông tin rẻ rúm, giật gân, câu khách, dựa chủ yếu vào nguồn tin từ mạng xã hội hoặc “cóp pết” lẫn nhau; thậm chí, một số tờ tạp chí, kể cả báo mạng điện tử bị mạng xã hội dẫn dắt, dẫn đến sai phạm.

Phóng viên: Vậy, cần phải có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này, thưa ông?

PGS,TS. Hà Huy Phượng: Có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này. Trước tiên, theo tôi, cần mạnh tay dẹp bỏ, xử phạt nặng các cá nhân, tạp chí điện tử, trang tin điện tử “núp bóng”, hoạt động sai chức năng, nhiệm vụ, sản xuất thông tin giật gân, câu khách, đưa tin sai sự thật, gây tổn hại đến uy tín, danh dự, quyền của cá nhân, tổ chức.

Cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo, tạp chí cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong lãnh đạo, quản lý hoạt động của các tạp chí, nhất là với đội ngũ phóng viên, cộng tác viên, nhân viên hợp đồng, thử việc... Thời gian qua cho thấy, phần lớn những cá nhân vi phạm lại là những nhân viên hợp đồng thử việc, các cộng tác viên được các báo, tạp chí cấp giấy giới thiệu hoặc “Thẻ Phóng viên” tự in của toà soạn đi hành nghề tác nghiệp, dẫn tới sai phạm.

Cần giáo dục nhận thức, chính trị, trình độ tri thức và kỹ năng nghề nghiệp chuyên nghiệp để các nhà báo hoạt động đúng luật pháp. Thực tế hiện nay, một số người coi việc làm báo rất dễ, không cần học cũng có thể làm được, nhưng đâu phải như vậy. Người xưa có câu “Không thầy đố mày làm nên” chí lý lắm. Nghề nào cũng cần phải có những người thầy, được đào tạo bài bản, dù là ngắn hạn.

Phóng viên: Nếu mạnh tay xử phạt, xoá bỏ các cơ quan báo chí vi phạm, như vậy có làm ảnh hưởng đến đời sống, công việc của không ít người làm báo hiện nay, thưa ông?

PGS,TS. Hà Huy Phượng: Cần thay đổi tư duy quản lý, quản trị báo chí kiểu cảm tính, gia đình, bằng tư duy, phương pháp hiện đại, lấy hiệu quả, chất lượng sản phẩm làm chính để tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người làm báo một cách xứng đáng.  

Cá nhân và cơ quan báo chí vi phạm kéo dài do nhận thức chính trị, tri thức và kỹ năng nghiệp vụ nghề nghiệp kém cỏi thì nên buộc thôi nghề, xoá bỏ.  

Phóng viên: Xin cảm ơn ông

Lê Vân thực hiện/ Báo Tin tức
Quyết liệt xử lý, chấn chỉnh tình trạng 'báo hóa' tạp chí
Quyết liệt xử lý, chấn chỉnh tình trạng 'báo hóa' tạp chí

Bên cạnh những tạp chí hoạt động theo đúng quy định, đăng tải các thông tin phổ biến các công trình khoa học; phân tích, làm rõ hơn các vấn đề mang tính lý luận chuyên ngành, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng một số tạp chí "báo hóa", không tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích, vi phạm đạo đức nghề nghiệp cũng như pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN