Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho người nghèo đã được nghiên cứu, xây dựng điều chỉnh phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa phương, từng khu vực theo từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Kết quả thực hiện đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo ở nông thôn có nhà ở an toàn, ổn định, giúp các hộ nghèo yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ gia đình sống tại vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như bão, lũ, lụt… có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân.
Đáng chú ý, cùng với các chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội cho người nghèo khu vực nông thôn, các mô hình khu đô thị nhà ở xã hội với hạ tầng đồng bộ dành cho người nghèo, người thu nhập thấp như các dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội của Viglacera, tại thành phố Bình Dương của Becamex IDC… đã góp phần khẳng định một hướng đi mới trong việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đại diện Bộ Tài chính, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân để phát triển sản xuất, tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tuy nhiên, do khả năng cân đối ngân sách Nhà nước còn hạn chế, vừa phải đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải đáp ứng mục tiêu giảm nghèo dẫn đến việc bố trí nguồn lực ngân sách Nhà nước còn dàn trải.
Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ rõ, tính đến ngày 30/6/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 181.768 tỷ đồng, tăng 24.396 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2016 (tăng 15,5%). Trong đó năm 2017 tăng 14.417 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2018 tăng 9.978 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở 8 chương trình tín dụng lớn: cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; chương trình cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở.
Qua nghe báo cáo của các bộ, ngành và từ thực tiễn đi giám sát, khảo sát thực hiện chính sách giảm nghèo tại các địa phương, các thành viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ ra bất cập lớn nhất hiện nay là chính sách rất nhiều nhưng không bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư.
Nhiều chương trình, dự án ngân sách Trung ương không bố trí đủ, trong khi phần cân đối của địa phương cũng không thực hiện được vì hầu hết các tỉnh này đều thuộc diện nghèo, khó khăn. Bên cạnh đó, mức cho vay tối đa một số chương trình còn thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Một số ý kiến cho rằng, việc lồng ghép các chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án khác trong thực tế còn nhiều bất cập. Công tác quy hoạch ở một số địa phương chưa tốt, tình trạng phân bổ dự toán hàng năm còn phân tán, dàn trải…
Từ thực tế này, các đại biểu đề nghị các bộ, ngành tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể toàn bộ các chính sách giảm nghèo, loại bỏ chính sách chồng chéo, không hiệu quả; đẩy mạnh việc tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý và tập trung nguồn lực để bảo đảm có chính sách là có nguồn lực thực thi.
Đặc biệt, tập trung ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA) cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội các vùng khó khăn; ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên để thực hiện các chính sách hỗ trợ các đối tượng ổn định đời sống, phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.