Khảo sát thực địa vào sáng 12/8 trên khu vực Hòn Mun - nơi san hô đang bị xâm hại nghiêm trọng trong vịnh Nha Trang, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, việc san hô chết cần có nghiên cứu đánh giá cụ thể, không viện lý do từ nguyên nhân biến đổi khí hậu, thiên tai.
Tại buổi làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về vấn đề trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, việc bảo tồn rất quan trọng để phát triển ngành thủy sản bền vững, có bảo tồn mới có trữ lượng để có thể khai thác bền vững. Thực tế, việc bảo tồn ở vịnh Nha Trang chưa được chú trọng đúng mức. Nếu tiếp diễn hiện trạng suy giảm hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang, việc phát triển ngành thủy sản bền vững rất khó khăn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu tỉnh Khánh Hòa cần có một bộ phận tách biệt phục vụ bảo tồn với bộ máy và đội ngũ, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ đi tuần tra, kiểm soát. Ngoài ra, địa phương cần có sự phối hợp giữa kiểm ngư với lực lượng bảo tồn trên vịnh Nha Trang. Việc xây dựng của các doanh nghiệp trên khu vực vịnh Nha Trang phải được phối hợp chặt chẽ để bảo tồn bền vững. Song song đó, tỉnh Khánh Hòa cần có một đề án xây dựng sự phối hợp giữa các sở, ngành trong bảo tồn biển, nhất là khu vực vịnh Nha Trang.
Theo báo cáo của Ban quản lý vịnh Nha Trang, thời gian qua, đơn vị đã xã hội hóa cùng với các doanh nghiệp và người dân để bảo vệ, bảo tồn các khu vực. Tuy nhiên, tại một số khu vực trên vịnh Nha Trang vẫn xuất hiện tình trạng rạn san hô bị chết.
Nguyên nhân chính được đánh giá do tác động thiên nhiên từ 2 cơn bão số 12 năm 2017 và số 9 năm 2021 khiến suy giảm rạn san hô khu vực ven bờ. Khu vực ven bờ có những rạn san hô cách mực nước chỉ khoảng 0,5-1m nên khi sóng đánh đã làm tất cả rạn san hô dạt hết lên bờ. Ngoài nguyên nhân này, một số tác nhân khác gây ảnh hưởng đến rạn san hô trong vịnh theo đánh giá của nhà khoa học và tỉnh Khánh Hòa là do con người tác động.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của Ban quản lý vịnh Nha Trang là việc đơn vị đang quản lý diện tích 249,6 km2 vịnh Nha Trang nhưng chỉ có 1 phương tiện cơ giới để tuần tra và 13 người thực hiện nhiệm vụ nên khó để bảo vệ toàn bộ khu vực.
Để giải quyết tình trạng trên, tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra một số giải pháp như tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản.
Đồng thời, hoàn thiện việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hỗ trợ để chuyển đổi một số nghề khai thác ven bờ mang tính hủy diệt sang nghề khác; tập trung nghiên cứu, điều tra nguồn lợi thủy sản, tái tạo nguồn lợi thủy sản; xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang…
Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm chỉ đạo vấn đề kiện toàn hệ thống tổ chức bảo tồn biển; thành lập quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Việt Nam, tăng cường trang thiết bị cho bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương; các chính sách hỗ trợ về giá thủy sản, nhiên liệu để đi đánh bắt thủy sản.
Ban quản lý Vịnh Nha Trang là đơn vị giúp việc cho thành phố Nha Trang quản lý, khai thác các giá trị trên vịnh, cũng như bảo vệ, bảo tồn danh lam thắng cảnh, vẻ đẹp sinh học tại đây. Bên cạnh đó, đơn vị này làm đầu mối để các cơ quan chức năng địa phương cùng thực hiện bảo tồn biển tại khu vực biển vịnh Nha Trang.