Cận cảnh quy trình sát hạch, cấp giấy phép lái xe nghiêm ngặt

Hiện nay, nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) tại Hà Nội đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, kết hợp với quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình sát hạch thi lý thuyết, thực hành trong mô hình mô phỏng phương tiện, phòng máy và địa hình, đảm bảo lái xe "học thật, thi thật", sau khi hoàn thành khóa học có thể lái xe an toàn, xử lý được các tình huống nguy hiểm phát sinh trong thực tế và hạn chế các tình huống va chạm, có thể dẫn đến tai nạn giao thông.

Phóng viên báo Tin tức đã có mặt tại một số Trung tâm đào tạo, sát hạch, cấp GPLX như: Trung tâm Âu Lạc (Bắc Ninh) và Trung tâm Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (Hà Nội), ghi nhận quy trình đào tạo, sát hạch nghiêm ngặt với các học viên, từ thực hành trong mô hình mô phỏng cabin phương tiện hiện đại, đến thi phòng máy, trên địa hình...

Video Cận cảnh quy trình sát hạch, cấp GPLX nghiêm ngặt:

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cả nước hiện có 141 Trung tâm sát hạch lái xe ô tô Nhà nước, gồm 51 Trung tâm loại 1 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến các hạng F); 90 Trung tâm loại 2 (sát hạch lái xe từ hạng A1 đến hạng C). Các trung tâm được xây dựng theo quy chuẩn, có đủ điều kiện về cơ sở vật chất như phòng sát hạch lý thuyết, phòng điều hành thiết bị sát hạch thực hành lái xe, sân sát hạch, xe sát hạch và các hạng mục công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu sát hạch lái xe, được lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động sát hạch lý thuyết và thực hành lái xe, hệ thống loa, màn hình tại phòng chờ để công khai quá trình và kết quả sát hạch của từng học viên. 

Ngoài ra, cả nước có 343 cơ sở đào tạo lái xe ô tô theo mô hình xã hội hóa. Hệ thống cơ sở đào tạo lái xe đã tăng cả về số lượng và chất lượng; hệ thống phòng học, trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ giáo viên, xe tập lái, sân tập lái của cơ sở đào tạo lái xe được đầu tư, củng cố, tăng cường, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, phù hợp thực tiễn.

Chú thích ảnh
Mô hình mô phỏng cabin ô tô đào tạo học viên lái xe điện tử tham gia giao thông như thật, trị giá khoảng 500 triệu đồng/cabin.
Chú thích ảnh
Hệ thống máy tính cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và thiết bị giám sát thời gian, quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành.
Chú thích ảnh
Học viên vào phòng thi sát hạch lý thuyết phải có giấy tờ đảm bảo nhân thân. 
Chú thích ảnh
Sân thi sát hạch thi địa hình đối với các hạng xe.

Tuy nhiên, trong số này cũng có không ít cơ sở đào tạo chưa được đầu tư bài bản, thiếu quy trình đạo tạo, sát hạch hoặc cắt bớt thời gian học lý thuyết, thực hành, nhằm phục vụ nhu cầu học, thi "cấp tốc" của không ít người dân. Thêm vào đó, một số cơ sở đào tạo chưa có sự kết nối dữ liệu GPLX, chưa cập nhật các GPLX bị tạm giữ, cộng với việc ngành y tế chưa có dữ liệu khám sức khỏe cho lái xe trên toàn quốc, nên nhiều trường hợp sử dụng giấy khám sức khỏe giả để được học và được cấp đổi GPLX. Thực tế này không được quản lý, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ, dẫn đến tình trạng không ít học viên "học giả, thi giả", thiếu thời gian thực hành, có bằng nhưng không lái xe hoặc không dám lái xe, dễ gây nguy hiểm cho người tham giao thông khi ngồi sau tay lái...  

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT đã xây dựng phần mềm quản lý thống nhất từ khâu đào tạo đến khi sát hạch, cấp GPLX, áp dụng phần mềm quản lý giáo viên trên toàn quốc của các cơ sở đào tạo; lắp đặt thiết bị để nhận dạng và giám sát thời gian học lý thuyết môn học Pháp luật Giao thông đường bộ đối với học viên; các học viên không học đủ thời gian tập trung tại cơ sở đào tạo sẽ không được dự sát hạch, cấp GPLX. 

Đặc biệt, nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe hiện nay đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị học tập hiện đại như mô hình mô phỏng cabin ô tô thật, kết hợp với giám sát chặt chẽ quy trình học hiện nay, đảm bảo các học viên đăng ký, tham gia khóa học khắc phục được những tồn tại, bất cập, lỗi phát sinh nhỏ nhất trong thực tế sau khóa đào tạo, sát hạch. 

Chú thích ảnh
Phần thi sát hạch thực hành đối với học viên học thi GPLX hạng B1, B2. 
Chú thích ảnh
Học viên nghiêm túc thi sát hạch lý thuyết.
Chú thích ảnh
Làm bài thi bộ câu hỏi Luật Giao thông đường bộ.
Chú thích ảnh
Làm bài thi kiến thức lái xe, xử lý tình huống trên máy.

Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), để kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Tổng cục sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác đào tạo lái xe tại tất cả các Trung tâm, cơ sở đào tạo, sát hạch; xử lý nghiêm, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi giấy phép đào tạo các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Sở GTVT, Công an, Ban An toàn giao thông địa phương trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành... theo đúng tinh thần Thông tư 38/2019/BGTVT của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ.

Chú thích ảnh
Các phần thi lý thuyết trong phòng thi đều có giám thị và camera giám sát, soi chiếu chặt chẽ.
Chú thích ảnh
Bài thi xuất phát trên địa hình.
Chú thích ảnh
Thầy giáo nhắc nhở học viên chuẩn bị bài thi thực hành lùi chuồng. 
Chú thích ảnh
Giám thị giám sát bài thi lùi chuồng.
Chú thích ảnh
Nhu cầu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của người dân ngày càng tăng cao.

Qua tìm hiểu của phóng viên tại cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, tính trung bình, có đến 30 - 40% số người trượt lần đầu trong kỳ thi sát hạch, cấp GPLX ô tô. Nguyên nhân chủ yếu do tâm lý, thiếu kinh nghiệm đi trên sân thi, trượt lý thuyết... Theo quy định, thời gian đào tạo đối với hạng B1, B2 là 3 tháng, với hạng C là 6 tháng, nhưng không ít học viên mới đăng ký, do bận công việc, đăng ký đi học lý thuyết, thực hành liên tục trong 1 - 2 tháng đầu, sau đó không ôn luyện, dẫn đến bị quên và phản xạ hạn chế, khi thi thật hay bị tâm lý và trượt, nhất là đối với các bài thi thực hành: Dừng và khởi hành xe ngang dốc (đề pa lên dốc); qua vệt bánh xe đường hẹp vuông góc; qua ngã tư có tín hiệu điều khiển giao thông; lùi xe vào chỗ đỗ (lùi chuồng); ghép ngang...

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, với quy trình đào tạo, sát hạch khép kín, nghiêm ngặt tại các Trung tâm hiện nay, các học viên được đào tạo nghiêm túc, bài bản, minh bạch. Khi học viên tham gia học lý thuyết đều phải điểm danh, nếu học viên học thiếu số tiết sẽ phải học lại, nghỉ học quá quy định thì không được tham gia thi. Tất cả các bài học lý thuyết, thực hành trước khi cấp GPLX cho các học viên đều là quy trình bắt buộc để đảm bảo vững tay lái, thành thục các kỹ năng lái xe an toàn cho bản thân học viên và người tham gia giao thông khác; đồng thời, kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ cao, gian lận trong quá trình sát hạch.

Bài, ảnh, video: Đăng Sơn/Báo Tin tức
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chống gian lận trong sát hạch lái xe
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chống gian lận trong sát hạch lái xe

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố yêu cầu quản lý chặt chẽ công tác đào tạo và cấp, đổi giấy phép lái xe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN