Cần thiết ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và nâng cao hơn nữa hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Theo thống kê từ năm 2009 đến nay, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã xảy ra trên 334 nghìn vụ, làm chết trên 101 nghìn người (trung bình hàng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), làm bị thương trên 336 nghìn người, trong đó hàng chục nghìn người bị thương tật suốt đời (so với các lĩnh vực giao thông khác như đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt thì tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương).
Đáng chú ý, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ yếu, chiếm trên 90% số vụ, trong đó nhiều lái xe có kỹ năng điều khiển, kiến thức về pháp luật an toàn giao thông và ý thức tự giác chấp hành luật còn rất kém. Bên cạnh đó, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý rất nhiều các trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn…
Dự thảo Luật gồm 08 chương, 72 điều, trong đó bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm là những hành vi nguy hiểm, có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc gây mất an ninh, trật tự.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày cho thấy, nội dung dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi; đã nội luật hóa đa số các quy định trong Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ và bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị phân định rõ ràng hơn nữa về phạm vi, nội dung điều chỉnh giữa dự thảo Luật này với dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nhất là các quy định về hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, tổ chức an toàn giao thông đường bộ.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc một số nội dung làm thay đổi trách nhiệm đang thực hiện như quy định thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an; lược bỏ thẩm quyền tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ của Thanh tra giao thông.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí nhiều nội dung của dự thảo. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo giữa Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Ông Ngô Trung Thành ủng hộ việc cấp biển số thông qua đấu giá và cho rằng kho số cũng là một loại tài sản công. Tuy nhiên, cần làm rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục việc đấu giá để đảm bảo tính công khai. Nếu có khác với luật đấu giá tài sản thông thường thì phải xem xét, quy định cụ thể trong dự thảo luật để không để chồng chéo, bất cập.
Rà soát lại phạm vi điều chỉnh của từng luật
Nhiều đại biểu cho rằng, những năm qua, các cơ quan chức năng đã cố gắng trong việc hạn chế tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí, tuy nhiên, số người bị tai nạn giao thông vẫn còn rất lớn. Có thể thấy, nhìn vào việc chấp hành luật giao thông để đánh giá việc chấp hành pháp luật của người dân của cả đất nước. Do đó, cần thiết phải sửa luật. Trong quá trình xây dựng dự thảo, các bộ đã chủ trương tách riêng 2 dự án Luật và đều nhận được sự đồng thuận của thành viên Chính phủ, các cơ quan, đại biểu Quốc hội. Các đại biểu đánh giá chất lượng của dự án luật đảm bảo, xây dựng công phu, có căn cứ chính trị, đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, khi Ủy ban tiến hành thẩm tra cũng đã phân tích, đánh giá kỹ để tránh trùng lặp. Việc tách luật thể hiện quyết tâm cao, rõ ràng và chuyên sâu, trách nhiệm cao hơn của các bộ. Bên cạnh đó, hồ sơ cũng được chuẩn bị công phu, kỹ càng, đủ điều kiện trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc những năm gần đây, tai nạn giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số các vụ tai nạn trên toàn quốc nên việc tìm giải pháp tháo gỡ những bất cập là cấp bách và cần thiết. Luật Giao thông đường bộ từ năm 2008 đã được triển khai quyết liệt nhưng số vụ tai nạn chỉ giảm nhẹ, thậm chí không giảm, cần có bổ sung, hoàn thiện về mặt pháp lý.
"Việc tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo hướng chuyên biệt là cần thiết, hy vọng có thể đem lại hiêu quả cao", ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến.
Về việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, chủ trương xã hội hóa là đúng đắn, phù hợp, nhưng cần đảm bảo chất lượng. Các trung tâm đào tạo lái xe đã và đang đầu tư hệ thống đào tạo hiện đại, áp dụng công nghệ tiến tiến rất phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.
Song, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, hiện nay, vẫn còn tình trạng một xe dùng nhiều biển số là không chấp nhận được, cần xem lại việc quản lý của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, trên thực tế vẫn có nhiều xe thô sơ tham gia giao thông nhưng không đảm bảo an toàn cũng cần có những biện pháp cải thiện, có quy định rõ trong dự án luật trình Quốc hội trong thời tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, sửa Luật là cần thiết, nhưng quan trọng vẫn là ý thức của người tham gia giao thông cũng như tinh thần làm việc của cán bộ khi xử lý vi phạm giao thông. Bà Lê Thị Nga phân tích, người Việt Nam có thể vi phạm khi tham gia giao thông ở trong nước, nhưng khi sang nước ngoài lại thực hiện rất nghiêm túc là do lỗi một phần của người thực thi công vụ...
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh, việc đầu tư cho giao thông đường bộ là rất cần thiết nhằm nâng cao ý thức và tiến tới văn minh về giao thông. Ông Phan Thanh Bình ví dụ, một học sinh lúc nhỏ ý thức giao thông rất tốt, nhưng lớn lên lại bừa bãi là do giáo dục chưa tốt mà thành. Theo ông Phan Thanh Bình, cần thực hiện các cuộc khảo sát về tình hình giao thông; tăng cường xử phạt và sử dụng tiền đó để đầu tư, cải thiện điều kiện an toàn giao thông, áp dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát, xử lý...
Cùng băn khoăn về nhóm luật liên quan đến đường thủy, đường hàng không, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc tách thành hai luật phải được xem xét rất kỹ; rà soát lại phạm vi điều chỉnh của từng luật, nội dung quản lý nhà nước bộ nào đã có kinh nghiệm thì phải đảm bảo tính ổn định khi sửa luật.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, Chính phủ chịu trách nhiệm chính về an toàn giao thông đường bộ. Việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe giao cho cơ quan nào cần có tổng kết đánh giá kỹ, nhất là liên quan đến bộ máy, chi phí. Nội dung này Chính phủ cần làm rõ thêm và Quốc hội sẽ quyết định...