Theo đó, tỉnh phân công 57 cơ quan, đơn vị giúp đỡ 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% ở hai huyện miền núi là A Lưới và Nam Đông.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh bao gồm: Vận động nguồn lực từ cơ quan, đơn vị mình hoặc từ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để giúp đỡ hộ nghèo làm ăn, tìm việc làm, xóa nhà tạm, hỗ trợ khám, chữa bệnh, hỗ trợ việc học tập của con em hộ nghèo hoặc cận nghèo gặp rủi ro; hỗ trợ thiết bị dạy học, nhà văn hóa thôn, xã, làm đường giao thông, hệ thống chiếu sáng đường nông thôn, hỗ trợ xây dựng thư viện, tủ sách pháp luật xã, trang thiết bị phục vụ hoạt động quản lý điều hành ở cấp xã.
Huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên-Huế) đầu tư trên 300 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn. Trong ảnh: Giao thông nông thôn ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới được kiên cố hóa. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Các đơn vị giúp xã tổ chức bồi dưỡng kiến thức khoa học, nâng cao sản xuất, đời sống sinh hoạt, phòng chống dịch bệnh, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng giống mới năng suất cao phù hợp với lợi thế vùng sinh thái, hướng dẫn thủ tục vay vốn ngân hàng, trợ giúp pháp lý.
Các địa phương, đơn vị hỗ trợ thực hiện kế hoạch giảm nghèo, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả cho hộ nghèo về phát triển kinh tế, nhằm tạo thêm việc làm cho người nghèo trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu hợp lý cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định được đời sống, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Các địa phương, đơn vị tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cấp xã, kỹ năng làm việc, kỹ năng sử dụng máy vi tính; tổ chức các phong trào xã hội học tập hiệu quả, an ninh trật tự; tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân dân; hướng dẫn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo biết cách lập kế hoạch chi tiêu trong tháng, trong năm để tiết kiệm đầu tư vào nuôi trồng, sản xuất kinh doanh; hỗ trợ vốn trực tiếp để thực hiện mô hình sinh kế nhỏ, phù hợp với đặc điểm và thói quen chăn nuôi, trồng trọt của các hộ nghèo.
Tỉnh phấn đấu đưa hai xã Thượng Long và Hương Hữu (huyện Nam Đông) và 10 xã Hồng Thượng, A Ngo, Hồng Hạ, Hồng Bắc, Hồng Thủy, Hương Lâm, Bắc Sơn, A Đớt, Hồng Quảng, Đông Sơn (huyện A Lưới) có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% năm 2015 giảm xuống dưới 25% vào cuối năm 2020.
Tỉnh tập trung giúp đỡ 7 xã nghèo khác ở huyện A Lưới (A Roàng, Hồng Kim, Nhâm, Hồng Vân, Hương Nguyên, Hồng Trung, Hồng Thái) để mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 4%, hạn chế thấp nhất số hộ tái nghèo, đến cuối năm 2020 không còn nhóm xã có tỷ lệ hộ nghèo quá cao trên địa bàn.
Thời gian qua, chương trình giảm nghèo tại các xã nghèo của hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới đã tập trung hỗ trợ về vốn, đất sản xuất và kỹ thuật để xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả.
Thống kê đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư gần 110.000 tỷ đồng giúp gần 119.000 hộ nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh; khai hoang 154 ha đất để giải quyết cho 835 hộ nghèo dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.
Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 23.600 hộ nghèo, chiếm 8,36%; 14.033 hộ cận nghèo, chiếm 4,97%. Về các chính sách giảm nghèo chung, đến nay 100% đối tượng được thụ hưởng chính sách được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 3.337 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ giáo dục; hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.285 lao động nông thôn, tư vấn và giải quyết việc làm cho 14.370 lượt lao động.
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét điều chỉnh mức lãi suất cho vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất; về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 1,5 - 2% theo chuẩn hộ nghèo mới...