Các nữ nghệ nhân với tâm huyết 'giữ lửa' nghề truyền thống

Các nữ nghệ nhân với tâm huyết của mình đã trở thành những người “giữ lửa”, có nhiều đóng góp trong bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống.

 

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Phan Thị Thuận, người nghiên cứu thành công lụa tơ sen. 

Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, Hà Nội các nữ nghệ nhân cùng tỏa sáng với các sản phẩm sáng tạo làng nghề truyền thống. Là dịp hội tụ, giao lưu, và được tôn vinh, các nữ nghệ nhân với tâm huyết của mình đã trở thành những người “giữ lửa”, có rất nhiều đóng góp trong bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống của Hà Nội.

Các nữ nghệ nhân đã có phần tái hiện trình diễn nghề độc đáo, sáng tạo với bàn khéo léo, họ cũng là những người thợ giỏi góp phần tạo nên những sản phẩm sáng tạo của các làng nghề Hà Nội. Những bàn tay tài hoa của các chị cũng khẳng định sự đổi mới, sáng tạo, tài năng và những quyết tâm giữ lửa làng nghề của phụ nữ Thủ đô.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội khẳng định: Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, các Hiệp hội làng nghề tại địa phương, gắn với thực hiện Đề án "Phát huy vai trò của phụ nữ Thủ đô trong xây dựng nông thôn mới", trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ về vị trí, vai trò và giá trị văn hóa của làng nghề; vận động truyền nghề; khuyến khích sáng tạo, tạo ra các sản phẩm tinh tế, độc đáo, có giá trị kinh tế cao mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống; hỗ trợ phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Đặc biệt, sẽ đề xuất thêm các chính sách bồi dưỡng phát triển nữ nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề, phố nghề và tổ chức các sự kiện tôn vinh nữ nghệ nhân, thợ giỏi, phát động phụ nữ bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống và đổi mới, sáng tạo góp phần thúc đẩy phát triển làng nghề.

Chú thích ảnh
Nữ nghệ nhân làng nghề gốm Bát Tràng.

Hà Nội vốn được gọi là vùng đất trăm nghề với 1.350 làng có nghề, trong đó 318 được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống, chiếm 35% số làng nghề có nghề trong cả nước. Trong đó, lao động nữ chiếm 65% trong tổng số lao động tại các làng nghề, giữ vai trò quan trọng trong việc "giữ lửa" làng nghề.

Các hoạt động Hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ đã thúc đẩy phụ nữ các làng nghề tự tin, năng động, đổi mới sáng tạo, nâng cao tay nghề, nhiều chị trở thành những nghệ nhân, thợ giỏi làm ra những sản phẩm làng nghề đa dạng về chủng loại, kỹ thuật thủ công tinh tế có uy tín tại thị trường trong nước và Quốc tế. Không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề, đóng góp nhiều tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, phụ nữ các làng nghề còn nhiệt tình truyền nghề, nhân cấy nghề tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, tích cực hưởng ứng các hoạt động cộng đồng.

Tin, ảnh: Tạ Nguyên- Lê Phú/Báo Tin tức
Nữ nghệ nhân gần 70 tuổi giữ nghề làm gốm của đồng bào Chu Ru
Nữ nghệ nhân gần 70 tuổi giữ nghề làm gốm của đồng bào Chu Ru

Tưởng như đã thất truyền nhưng ở thôn Krăng Gọ 1, xã P’Ró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng vẫn còn một nghệ nhân gần 70 tuổi làm gốm theo cách riêng của đồng bào Chu Ru. Làm gốm mà không dùng bàn xoay, không dùng lò nung mà chất củi đốt lộ thiên, để hình thành nên những chum, vại, ché, nồi, hay bộ ấm chén đất. Đó là nữ nghệ nhân dân gian Ma Ly.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN