Các nhà báo bình chọn 10 sự kiện môi trường nổi bật năm 2018

Sáng 28/12, 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước năm 2018 được công bố. Đáng chú ý, sự kiện về tìm ra mạch nước ngọt ở nơi khan hiếm nước tại Bạch Long Vĩ, biến đảo Lý Sơn thành sân Goft ở Quãng Ngãi và biến rừng Sóc Sơn thành các biệt phủ... được dư luận quan tâm vì có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng, xã hội và sự phát triển của ngành môi trường trong nước.

Đây là năm thứ 8 Tin Môi trường - Thành viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi Trường Việt Nam cùng các nhà báo viết về môi trường trong nước tổ chức thực hiện bình chọn 10 sự kiện môi trường nổi bật năm 2018.

10 sự kiện môi trường nổi bật được sắp xếp theo thứ tự thời gian như sau:

1. Phát hiện ra mạch nước ngọt trên đảo Bạch Long Vỹ

Chú thích ảnh

Đầu năm 2018, một tin vui đến với nhân dân huyện đảo Bạch Long Vỹ, thành phố Hải Phòng, đó là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc đã khảo sát và tìm được thêm 2 giếng nước ngọt mới.

Theo đó, tại hai lỗ khoan BLV1 và BLV2 đã phát hiện ra mạch nước có lưu lượng tới 75m3/ngày. Ngay sau khi tìm được mạch nước, đoàn đã khẩn trương xây dựng trạm xử lý cấp nước để phục vụ nhân dân trên đảo.

Đảo Bạch Long Vỹ thuộc địa phận hành chính thành phố Hải Phòng, nằm cách đất liền khoảng 100km. Những năm qua, đảo luôn trong tình trạng thiếu nước ngọt. Bình quân trên đảo có khoảng 1.000 người, nhiều thời điểm do phải tránh bão, lượng người trên đảo lên đến hơn 2.000 người.Vào mùa khô năm 2017, tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra gay gắt trên đảo. Người dân đã phải mua nước ngọt với giá từ 50.000 - 100.000 đồng/m3. Vất vả hơn là những ngư dân trên biển, họ phải mua nước ngọt với giá cao gấp đôi, gấp ba và nhiều khi còn không có nước để mua.

2. Thành lập Hội Bảo vệ động vật Việt Nam

Chú thích ảnh

Chiều 3/2, tại Đà Nẵng, Hội Bảo vệ động vật Việt Nam đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ I (2018 - 2023) ngay sau khi được thành lập. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có Hội Bảo vệ động vật, có tên viết tắt là VAWA (Viet Nam Animal Welfare Association).

Bà Lê Thị Thúy, nguyên Phó trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đồng thời cũng là Trưởng Ban vận động thành lập Hội chia sẻ: Mục đích mà Hội muốn hướng đến là kêu gọi những ai yêu động vật xây dựng các quy trình chăm sóc, cứu chữa động vật khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, Hội hướng đến xây dựng các quy định bảo vệ động vật nhằm chống lại những hành vi giam cầm, để con vật bị đói khát, suy dinh dưỡng, bị bệnh tật, đánh đập tàn ác, gây đau đớn, tổn thương đối với những con vật. Qua đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người để cùng đối xử với động vật bằng tình thương, sự yêu mến và sự tôn trọng.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn) cho biết: “Ở Việt Nam chưa có một tổ chức chính thức nào về việc bảo vệ động vật. Việc thành lập Hội bảo vệ động vật Việt Nam là vô cùng quan trọng, cấp bách và cần thiết”.

3. Quảng Ngãi "hỏa tốc" với dự án sân golf, resort 3.800 ha trùm cả ra đảo Lý Sơn

Ngày 18/4/2018, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra thông báo đóng dấu “hỏa tốc” số 144/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng về phương án quy hoạch giai đoạn 1 Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu sự quyết tâm của “cả hệ thống chính trị” để đảm bảo cho dự án trên khởi công vào ngày 19/5, tức là chỉ chưa đầy 1 tháng .

Chú thích ảnh

Trong khi phương án quy hoạch chưa hoàn chỉnh, mọi quyết định còn chưa có thì Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất ứng trước 500 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án. Đặc biệt hơn nữa, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu dời vị trí đồn Biên phòng Bình Hải (đóng tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) đến nơi khác để… lấy đất cho dự án của FLC!.

Trước đó, ngày 29/1/2018, cũng chính Chủ tịch tỉnh Trần Ngọc Căng đã ký Quyết định (số 184/QĐ-UBND) phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình xây dựng mới Đồn Biên phòng Bình Hải chính tại vị trí hiện tại. Dự toán giá trị xây dựng công trình Đồn Biên phòng Bình Hải gần 20 tỷ đồng lấy từ ngân sách.

Chú thích ảnh
Công văn hỏa tốc của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Từ tháng 8/2017, đề án xây dựng khu vực Lý Sơn - Bình Châu thành Công viên địa chất toàn cầu (giai đoạn 2017 – 2024) đã được tỉnh Quảng Ngãi hợp tác với Viện Khoa học địa chất Việt Nam thực hiện với kinh phí 50 tỷ đồng, chuẩn bị trình UNESCO công nhận.

4. Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và bản đồ

Chiều 14/6, ngày làm việc thứ 19, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 với 451/452 phiếu đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 92,61%), Quốc hội đã thông qua Luật Đo đạc và bản đồ.

Chú thích ảnh

Luật Đo đạc và bản đồ được Quốc hội thông qua gồm 9 chương, 61 điều quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ hoặc có hoạt động khác liên quan đến đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ Việt Nam.

Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ trong cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ trong cả nước và có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và hướng dẫn tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án về đo đạc và bản đồ.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.

5. Phế liệu đổ bộ cảng biển, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm khắc

Chú thích ảnh

Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau cuộc họp Thường trực Chính phủ cuối tháng 7 về công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã yêu cầu Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam trong thời gian tới, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Trước đó thông tin báo chí phản ảnh tại một số cảng biển như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng đang tồn hàng trăm, nghìn container phế liệu nhập khẩu vô chủ, đã quá thời hạn quy định gây ảnh hưởng đến kho cảng, bốc dỡ và môi trường ở các cảng biển.

6. Bãi rác Đa Phước hôi do biến đổi khí hậu?

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết bãi rác Đa Phước hôi do biến đổi khí hậu.

Tại buổi họp báo thường kỳ của UBND TP Hồ Chí Minh ngày 3/7/2018, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Nguyễn Toàn Thắng nói: Khu Đa Phước, đơn vị Công ty xử lý chất thải rắn Việt Nam với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh khoảng 5.000 tấn/ngày, bằng hợp đồng xử lý ký với TP Hồ Chí Minh. Do biến đổi khí hậu và ảnh hưởng hướng gió nên bãi rác Đa Phước gây mùi hôi cho cư dân phía Đông Nam của thành phố.

Trước đó, người dân khu vực quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh liên tục phản ảnh mùi hôi từ rác gây ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân ở đây. Tuy nhiên, theo ông Thắng, bãi rác Đa Phước được thiết kế chôn lấp 24 triệu tấn rác, công suất hiện nay là 13 triệu tấn và dù có sử dụng công nghệ xử lý rác bằng cách chôn lấp tiên tiến thế nào đi nữa thì vẫn có mùi.

Do đó, TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu với 4 đơn vị xử lý rác chuyển ngay bằng đốt, giảm chôn lấp thì mùi sẽ giảm.

7. Tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên “kịch trần”

Chú thích ảnh

Chiều 20/9/2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Theo đó, kể từ 1/1/2019 thuế môi trường với xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít, lên kịch khung 4.000 đồng.

Các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng thuế môi trường. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng một lít từ đầu năm sau, tăng 700 đồng so với hiện nay. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít. Ngoài ra, thuế môi trường với dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu madut cũng tăng lên 2.000 đồng một lít, từ mức 900 đồng hiện hành.

Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những lý do tăng thuế là giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản hiện đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và châu Á. Ngoài ra, việc cắt giảm thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do đã làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách.

Với đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lên kịch khung kể từ 1/1/2019, rất nhiều ý kiến đã bày tỏ băn khoăn vì tác động mạnh lên giá xăng dầu trong nước.

8. Công ty môi trường đô thị Đà Nẵng bị phạt hơn 1 tỷ do hành vi xả nước thải vượt mức cho phép

 

Chú thích ảnh

Ngày 26/10, lãnh đạo chính quyền TP Đà Nẵng đã ký quyết định xử phạt hơn 1 tỷ đồng đối với Công ty CP Môi trường đô thị TP do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật tại khu vực bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Cùng ngày 26/10, chính quyền TP Đà Nẵng đã quyết định miễn nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP môi trường đô thị Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Thanh Hùng (chủ tịch Hội đồng quản trí) và ông Đặng Đức Vũ (Tổng giám đốc); đồng thời điều động hai cán bộ này về nhận nhiệm vụ khác tại Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố.

9. Phó thủ tướng yêu cầu thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng Sóc Sơn

Chú thích ảnh
Biến rừng Sóc Sơn thành các biệt phủ

Chiều ngày 29/11, Văn phòng Chính phủ đã truyền đi ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND TP. Hà Nội chỉ đạo công tác thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đảm bảo kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/2/2019.

Thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Trong những ngày qua, nhiều báo có bài viết phản ánh tình trạng các công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng phòng hộ tại nhiều xã thuộc huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội gây bức xúc dư luận. Đáng chú ý, hai công trình sai phạm xây dựng của ca sĩ Mỹ Linh và biệt phủ Thành Chương đã được Thanh tra Chính phủ kết luận có sai phạm từ 10 năm trước nhưng chưa được xử lý.

10. Việt Nam chính thức có công viên địa chất toàn cầu thứ 2

Chú thích ảnh
Trao chứng nhận công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Tối 24/11/2018, tỉnh Cao Bằng đã đón nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Trước đó, tháng 4/2018, tại Paris (Pháp), cuộc họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 204 đã thông qua nghị quyết công nhận công viên địa chất Non nước Cao Bằng là công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng có ý nghĩa rất quan trọng vì chúng ta có thêm một thương hiệu quốc gia về thắng cảnh và địa chất ở tầm quốc tế.

Chú thích ảnh
Di sản văn hóa công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Cao Bằng.

Như vậy, sau cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Cao Bằng là địa phương thứ hai của Việt Nam và là công viên địa chất toàn cầu thứ tám của Đông Nam Á được đón nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO.

Hải Yên/Báo Tin tức
10 sự kiện nổi bật của TP Hồ Chí Minh năm 2018
10 sự kiện nổi bật của TP Hồ Chí Minh năm 2018

Từ 35 sự kiện được các cơ quan báo chí đề cử và được 17 thành viên Hội đồng bình chọn, TP Hồ Chí Minh đã chọn ra 10 sự kiện nổi bất nhất trên 6 lĩnh vực chính trị, kinh tế, đô thị, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng, đối ngoại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN