Hà Nội loạn phí bến xe:

Các khoản phí “giời ơi, đất hỡi”

Trong khi nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách bức xúc vì bị “tận thu”, thì các bến xe đều khẳng định việc thu phí được thực hiện đúng quy định.


Các nhà xe cho biết bất cứ hoạt động nào của họ tại các bến xe của Hà Nội hiện nay đều phải nộp phụ phí cho nhân viên kiểm soát. Mặc dù các khoản phí không lớn, chỉ từ 10.000 đồng đến vài chục nghìn đồng, nhưng nếu cộng dồn, thì các doanh nghiệp phải đóng rất nhiều tiền mỗi tháng.

Lái xe nhà xe T.H, L.V.H, chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên cho biết: Chi phí cho mỗi xe vào bến là 70.000 đồng tiền “phơi lệnh” (phí xuất bến) và 5.000 đồng phí đỗ xe. Với chi phí như vậy, nhà xe có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ngoài những khoản phí cố định phải nộp cho bến xe, các nhà xe còn phải chi thêm nhiều loại phí “ngầm” khác thì mới được suôn sẻ như: 20.000 đồng tiền bến bãi, 10.000 đồng cho bảo vệ mỗi lần xe xuất bến, tiền “hoa hồng” bán vé… Những khoản chi này tuy không lớn, nhưng cũng tạo thêm gánh nặng cho nhà xe.

Xe khách về bến tại Bến xe Giáp Bát.



Trao đổi với phóng viên, một chủ doanh nghiệp vận tải hành khách ở Nghệ An bức xúc: Các bến xe ở Hà Nội đã “đẻ” ra những dịch vụ cho thuê khác rồi cho rằng đây là thỏa thuận. Doanh nghiệp vận tải tại các địa phương đăng ký hoạt động tuyến cố định “chóng mặt” với các dịch vụ cho thuê mặt bằng, xe trung chuyển khách, hàng hóa ra vào bến, dịch vụ xe ôm, thậm chí các nhà xe còn phải nộp phí vệ sinh, phí chỗ đỗ… mà những loại phí này đáng lẽ ra phải nằm trong gói đăng ký hoạt động tại bến mà hàng tháng các nhà xe đã nộp cho bến xe.

Làm một phép tính: Trung bình mỗi xe xuất bến phải chi 10.000 đồng, thì một ngày các nhân viên kiểm soát đút túi khoảng 9 triệu đồng. Các bến xe của Hà Nội đều trong tình trạng tương tự, tuy nhiên không biết khoản tiền này ban quản lý các bến xe có tường tận?

Hà Nội hiện có 6 bến xe lớn là: Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Lương Yên, Yên Nghĩa, Nước Ngầm. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng xe khách và hành khách thường tập trung đổ về các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm là chủ yếu. Thời gian qua, có nhiều ý kiến trái chiều về chuyện phân bổ các tuyến xe khách liên tỉnh về các bến xe này. Có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý vận tải chưa linh hoạt, chủ động phân bổ đều, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa các bến, nơi thừa, nơi thiếu công suất. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của hành khách thì chuyện đó không có gì khó hiểu, bởi vị trí, công suất bến bãi và sự tiện lợi của 3 bến xe này hơn hẳn 3 bến xe còn lại, nên đã thu hút nhiều hành khách và doanh nghiệp vận tải khách hoạt động hơn. Cũng chính điều này, lâu nay đã tạo điều kiện cho nhiều khoản phí “giời ơi, đất hỡi” tại các bến xe đông khách của Thủ đô tồn tại như chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Song, theo ý kiến các chuyên gia giao thông, hoạt động nào của các nhà xe tại các bến xe cũng biến thành phí để tận thu, dễ khiến nhiều nhà xe “nản lòng”, nhất là vào những giai đoạn thấp điểm, ít khách, chạy “rỗng” chiều về. Và hệ quả là không ít nhà xe sẽ bỏ bến, chạy dù. Nếu các cơ quan chức năng không sớm siết chặt thực tế này, tình trạng xe dù, bến cóc không chỉ không dẹp bỏ được, mà thị trường vận tải hành khách còn lộn xộn thêm bởi các loại xe hợp đồng, xe núp bóng chạy tuyến cố định…

Bài 2: Khốn khổ với “cò”

Tiến Hiếu - Việt Hoàng
Hải Phòng chính thức đóng cửa bến xe Tam Bạc
Hải Phòng chính thức đóng cửa bến xe Tam Bạc

Bến xe Tam Bạc, Hải Phòng ngày 16/6 chính thức đóng cửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN