Các địa phương triển khai biện pháp ứng phó bão số 11

Ngày 14/10, các tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 11 như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... đã tập trung lực lượng triển khai các phương án ứng phó với tinh thần khẩn trương nhất.

* Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã chỉ đạo các địa phương thuộc tỉnh cương quyết không cho người dân ở lại trên tàu hay các bè nuôi cá; có phương án di dân kịp thời, nhất là các vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở cao.

Đối với các khu vực ngầm nguy hiểm phải có lực lượng thường xuyên canh gác, không để người dân đi lại nguy hiểm. Các huyện, thành phố tổ chức thông báo tình hình mưa lũ, bão cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh; chỉ đạo chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, công trình công cộng; tổ chức sơ tán dân tại các vùng trũng thấp, ven sông, ven biển, ưu tiên sơ tán người già, phụ nữ, trẻ em và người tàn tật. Công tác này phải thực hiện trước 19 giờ ngày 14/10.

UBND huyện Nông Sơn (Quảng Nam) đã cấp cho mỗi xã 7 triệu đồng để mua mỳ tôm, nước uống, dầu hỏa sẵn sàng chi viện cho người dân khi bão lũ xảy ra. Đồng thời cấp cho ngành y tế một khoản kinh phí để mua dự trữ đầy đủ các cơ số thuốc, hóa chất nhằm đảm bảo chủ động phục vụ việc khám chữa bệnh cho nhân dân và thực hiện khâu phun tiêu độc, vệ sinh môi trường, khử trùng nguồn nước sinh hoạt ngay sau khi lũ rút. Theo kế hoạch, nếu tình huống xấu xảy ra các đơn vị liên quan sẽ tiến hành di dời khẩn cấp 60 hộ dân sống trong những căn nhà tạm bợ thuộc xã Quế Trung và Phước Ninh đến nơi tránh trú an toàn.

Tại thành phố Hội An, hàng trăm phương tiện và tài xế được điều động, tập kết tại sân UBND thành phố để phân công vận chuyển, di dời toàn bộ người già, trẻ em, phụ nữ ở 2 phường Cẩm An, Cửa Đại đi dời đến nơi an toàn; ở các địa phương còn lại thực hiện di dời dân ở những nơi nguy hiểm đến trú ẩn. Khách du lịch đang lư trú ở các khách sạn ven biển sẽ di dời đến nơi an toàn trước 18 giờ ngày 14/10.

Hiện toàn tỉnh Quảng Nam có 32/73 hồ chứa nước thủy lợi đã tích đầy nước (chủ yếu tập trung tại các huyện Đại Lộc, Tiên Phước, Nông Sơn và Hiệp Đức). Để tăng dung tích phòng lũ và giảm lũ cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các hồ chứa thủy điện An Vương và Đăk Mi 4 vận hành điều tiết hạ mực nước hồ xuống cao trình trên 376m đối hồ A Vương và 255m đối hồ Đăk Mi 4 trước 17 giờ ngày 14/10

* Trước những diễn biến phức tạp của bão số 11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ngành, các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai công tác phòng tránh bão.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đài canh Bộ đội Biên phòng, các máy ICOM cộng đồng kêu gọi, thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến và hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; tổ chức theo dõi; kiểm đếm tàu thuyền, thường xuyên giữ liên lạc với các chủ tàu thuyền; tiếp tục nghiêm cấm các loại tàu thuyền ra biển; tổ chức sắp xếp tàu thuyền và các loại phương tiện vận tải thủy tại các khu neo đậu an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại tàu thuyền khi bão đổ bộ.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát việc nhân dân chằng chống nhà cửa, đồng thời sẵn sàng sơ tán nhân dân ra khỏi những vùng ven biển, ven sông suối, những nhà yếu có nguy cơ bị sập đổ, tốc mái, vùng có nguy cơ bị sạt lở núi, lũ quét; huy động lực lượng sẵn sàng hỗ trợ nhân dân di dời, sơ tán, giúp nhân dân chằng, chống nhà cửa.

Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa nước thủy lợi và hồ chứa nước công trình thủy điện, thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du, đảm bảo an toàn đê điều, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình.

* Tỉnh Phú Yên chỉ đạo Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền các địa phương ven biển phối hợp với gia đình các ngư dân liên tục thông báo diễn biến cơn bão số 11 để kịp thời hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn; vận động ngư dân không ở trên các tàu đang neo đậu hoặc trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đến sáng 14/10, toàn tỉnh có 7.182 tàu thuyền cá của ngư dân đã vào bờ an toàn. Hiện còn 89 phương tiện với 758 lao động đang đánh bắt ngoài khu vực quần đảo Trường Sa nhưng đều đã liên lạc được với gia đình và các Đồn Biên phòng.

Vào 13 giờ ngày 13/10, chiếc tàu kéo biển hiệu LA- 05698TS do anh Phạm Thanh Tuyền (40 tuổi, trú ở huyện Cần Giộc, Long An) làm thuyền trưởng cùng thuyền viên Võ Văn Hiếu (32 tuổi, trú ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang) trên hành trình từ Cần Giộc ra tỉnh Quảng Ngãi do ảnh hưởng bão số 11 nên khi đến cửa biển Đà Diễn (phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) phải vào để tránh gió. Tuy nhiên, khi vào đến cửa biển chiếc tàu đã bị sóng đánh chìm, 2 thuyền viên đã bơi vào bờ an toàn.


Nguyễn Sơn, Đăng Lâm, Thế Lập


Thủ tướng chỉ đạo đối phó với bão số 11
Thủ tướng chỉ đạo đối phó với bão số 11

Bão số 11 là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, di chuyển nhanh hướng về phía quần đảo Hoàng Sa và đất liền nước ta, dự báo khi đổ bộ vào đất liền sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp14 và có mưa to đến rất to.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN