Các địa phương chủ động phòng, chống bão số 3

Công tác phòng chống bão số 3 được thực hiện rất khẩn trương và nghiêm túc tại các địa phương có thể chịu ảnh hưởng của cơn bão.

Chủ động ứng phó với bão số 3 (Kalmeagi), tỉnh Thái Bình coi công tác di dời dân là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Các địa phương trong tỉnh có dân trong diện phải di dời nhanh chóng triển khai công tác đưa dân đến nơi trú bão an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Cán bộ Trạm bờ Hoài Nhơn, Bình Định theo dõi và liên lạc tàu thuyền ngoài khơi vào tránh bão. Ảnh: Viết Ý- TTXVN


Cho đến trưa 16/9, tỉnh đã di dời xong gần 1.600 lao động canh ngao ngoài bãi triều, hơn 1.310 người lao động tại các đầm nuôi thủy hải sản, gần 4.300 người sống ngoài đê chính và hơn 2.000 người sống trong các nhà yếu, không đảm bảo an toàn đến nơi ở chắc chắn trong đê, an toàn.

Tính đến trưa 16/9, tỉnh Ninh Bình đã kêu gọi 86 tàu và 205 ngư dân về nơi an toàn; ngăn chặn 13 phương tiện cùng 27 thuyền viên không cho ra khơi. Nhằm chủ động ứng phó với bão số 3, địa phương đã thực hiện cấm biển, tạm dừng hoạt động các tuyến đò ngang cho đến khi bão tan, đồng thời thông báo cho 43 tàu và 91 ngư dân đang hoạt động tại khu vực ven biển từ Nam Định đến Thanh Hóa chưa kịp vào bờ chủ động tìm nơi trú ẩn an toàn, thành lập các đoàn kiểm tra xuống địa bàn cùng nhân dân phòng, chống bão. Tỉnh bố trí lực lượng trực ban 24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Đối với 361 lao động ở 274 chòi nuôi ngao ngoài đê biển Bình Minh III và 998 hộ với 1.277 nhân khẩu nuôi trồng thủy sản từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III, huyện Kim Sơn đã có phương án di dân vào đất liền xong trước 17 giờ ngày 16/9.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang yêu cầu các cơ quan ban ngành, chức năng khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó bão số 3. Theo đó, cần bảo đảm an toàn đê điều theo cấp báo động; tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư phương tiện sẵn sàng xử lý các sự cố đê khi vừa mới phát sinh.

Các đơn vị kiểm tra, quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò, ngầm qua sông suối; kiên quyết không cho phương tiện hoạt động nếu không đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho hành khách. Tỉnh chỉ đạo sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp, ven sông suối, khu vực ngoài bãi sông và khu vực vùng núi có nguy cơ sạt lở đất.

Tỉnh tiếp tục kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi trọng điểm, nhất là các hồ chứa nước, kênh tiêu xung yếu đang được xử lý cấp bách; đối với các hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn phải tổ chức lực lượng tại công trình, xây dựng và chuẩn bị phương án xả lũ khẩn cấp...

Trưa 16/9 toàn bộ lao động và tàu thuyền của Hải Phòng đã vào nơi tránh bão an toàn. Hiện các lực lượng thường trực cùng vật tư, trang thiết bị phòng chống bão số 3 đã được triển khai sẵn sàng.

Để sẵn sàng đối phó với bão, các ngành, các địa phương, đơn vị và lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, cụ thể bố trí gần 40.000 người trong lực lượng xung kích hộ đê, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

Trong đó lực lượng do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đảm nhiệm và hiệp đồng là 8.000 người; 320 xe ôtô các loại, 43 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp. Lực lượng do Bộ đội Biên phòng đảm nhiệm và hiệp đồng là 225 người; 13 tàu, 37 xuồng, 19 xe ôtô các loại.



Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Hà Nội nguy cơ ngập lụt do bão số 3
Hà Nội nguy cơ ngập lụt do bão số 3

Khả năng xảy ra ngập lụt cục bộ tại khu vực nội thành Hà Nội trong cơn bão số 3 là rất lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN