Chuyện đám cưới kỳ cục ở Vĩnh Long:

Cả sính lễ và chú rể đều là... giả

Đó là trường hợp hi hữu từ trước tới nay xảy ra tại ấp Thanh Mỹ 2, xã Thanh Đức- Long Hồ vào sáng 23/10/2012.

 


 
Từ chuyện vỡ lẽ nữ trang giả
 
Sáng 23/10/2012, đám cưới cô con gái Nguyễn Bé Th. được bà Phạm Thị Diễm P. tổ chức tại nhà thuộc ấp Thanh Mỹ 2. Theo địa chỉ ghi trên thiệp cưới, chú rể Phạm Hoàng Nghĩa có cha mẹ là Phạm Văn Thương- Nguyễn Hồng Hạnh, ngụ ấp An Lương, xã Phú Đức- Long Hồ, nhưng khi đoàn nhà trai đến thì chỉ có 5 người: chủ hôn, chú rể, một cô gái xưng là em chú rể và 3 “thanh niên” bưng mâm sính lễ. Đám cưới vẫn diễn ra…
 
Đến khi nhà gái phát hiện số nữ trang đeo trên người cô dâu gồm 1 dây chuyền, 2 nhẫn và đôi bông tai đều là vàng giả và số tiền sính lễ 10 triệu đồng cho nhà gái như đã hứa cũng không có thì gia đình mới vỡ lẽ…
 
Ông Nguyễn Hữu Th. là người dự đám cưới tại gia đình bà P. kể: Tôi đến đám cưới lúc hơn 9 giờ sáng, lúc này họ nhà trai chưa tới nhưng gia đình đã đãi tiệc khách dự đám. Khoảng 11 giờ, họ nhà trai gồm chú rể Phạm Hoàng Nghĩa, ông trưởng tộc, một cô gái tên Phạm Hồng Cúc được giới thiệu là em gái của Nghĩa và 3 thanh niên rất ẻo lả bưng các mâm lễ vật đi taxi đến. Trong lúc hai họ đang làm lễ cưới thì tôi nghe nhiều tiếng cãi vã về số tiền 10 triệu đồng họ nhà trai hứa trao trong lễ cưới nhưng không có. Hai bên đang tranh cãi thì bất ngờ có người hô hoán toàn bộ số nữ trang của họ nhà trai mang đến lễ cưới đều là vàng giả. Trong lúc cả tiệc cưới đang lộn xộn, chú rể nhanh chân lẻn ra đường kêu xe ôm biến mất. Sau đó, lần lượt em gái của chú rể và đám thanh niên ẻo lả kia cũng “tẽn tò” lẻn ra đường trốn mất, riêng ông trưởng tộc chạy không kịp vì… chỉ có 1 chân, nên bị họ nhà gái giữ lại. Những người trong họ nhà gái liền gọi điện thoại trình báo Công an xã Thanh Đức đến xử lý vụ việc. Dù vậy, tiệc cưới vẫn tiếp tục đến khoảng 15 giờ chiều mới kết thúc, nhạc sống xập xình suốt buổi.
 
Theo ông Th. đây là trường hợp hi hữu xảy ra tại địa phương. Ông Phạm Đăng Kh. cũng là khách dự đám cưới cùng với ông Th. lắc đầu ngao ngán nói: “Tôi 75 tuổi đầu mà lần đầu tiên mới thấy một cái đám cưới hết sức kỳ cục như vậy”.
 
Theo nguồn tin từ Công an xã Thanh Đức, trong đám cưới này “tất cả đều là đồ giả”, từ ông trưởng tộc đến vàng sính lễ và chú rể Phạm Hoàng Nghĩa cũng là giả. Theo lời tường trình của cô dâu và những người có liên quan thì Phạm Hồng Cúc là người thuê Nghĩa giả làm chú rể để cưới cô Th. về làm vợ vì lâu nay thầm yêu trộm nhớ do có thời gian cô Th. phụ bán quán nhậu của Cúc ở Phường 4- TP Vĩnh Long. Sáng ngày 24/10, Công an xã Thanh Đức tiếp tục mời cô Th. đến để làm rõ thêm vấn đề nhưng cô Th. không đến.
 
Lời giải bày của mẹ cô dâu
 
Sáng ngày 24/10, chúng tôi tìm đến nhà cô dâu Th. Đó là một căn nhà lụp xụp nằm sâu trong xóm lò gạch cặp sông Cái Sơn, vẫn còn chất đầy nồi niêu, xoong chảo, vật dụng phục vụ đám cưới. Bà P.- mẹ cô dâu buồn rầu cho biết hiện nay gia đình vẫn còn bàng hoàng, bất ngờ về sự việc này. Hỏi cô Th. ở đâu, bà P. chỉ cho biết sáng giờ cô đi việc riêng chưa biết chừng nào về.
 
Bà P. xác nhận Nghĩa và cô Th. chỉ mới quen nhau hơn 2 tháng. Trước khi đám cưới, Nghĩa có đưa cha ruột và mẹ nuôi cùng các chị đến nhà bà xin cưới Th. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn và cô dâu, chú rể không hạp tuổi nên hai bên thống nhất không làm đám hỏi mà chỉ định ngày làm lễ cưới. Trước ngày cưới, Nghĩa có thông báo họ nhà trai xuống 30 người, nhưng hôm đám cưới Nghĩa chỉ đi với 5 người lạ xuống. Vì thương con nên bà P. và thân tộc nhà gái châm chế bỏ qua. Không ngờ do sính lễ không có 10 triệu đồng như lời nhà trai đã hứa, nên nhà gái sinh nghi, kiểm tra vàng cưới mới biết là vàng giả... “Cũng may, nếu Nghĩa chịu đưa 10 triệu, không ai kiểm tra vàng thì con gái tui khổ rồi”- bà P. nói. Bà P. cho biết thêm, sau khi sự việc xảy ra, bà có điện thoại cho mẹ nuôi và các chị của Nghĩa để mắng vốn nhưng những người này nói không liên quan đến sự việc rồi tắt máy điện thoại.
 
Khi chúng tôi hỏi bà P. có đến gia đình nhà trai để tìm hiểu gia cảnh trước khi tổ chức đám cưới hay không, bà P. đáp: “Không đến lần nào, chỉ nghe nói ở ấp An Lương, xã Phú Đức, huyện Long Hồ”. Tiễn chúng tôi về, bà P. còn nói một câu chân chất: “Tui mượn tiền hàng xóm, mua thịt heo, thịt bò chịu để tổ chức đám cưới. May mà số tiền mừng cưới của khách vừa đủ để trả nợ, nếu không cả gia đình không biết phải làm sao vì cả nhà đều quanh năm làm thuê làm mướn”.
 
 
Theo baovinhlong
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN