Theo ông Phạm Khang Mừng, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hải Hà: Hợp tác xã đi vào hoạt động từ năm 2014 với 26 hộ là thành viên. Hồ Hồng Khếnh có 40 lồng, phân thành hai khu, nuôi các loại cá rô phi, trắm, chép, lăng, tầm… Ngày 19/10, cá trong các lồng có hiện tượng nổi đầu, yếu. Trước thực trạng này, Hợp tác xã đã mời các cơ quan chức năng, chuyên môn như Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên, Phòng Nông nghiệp huyện Điện Biên, Chi cục Thủy sản trực tiếp xem xét, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật. Hợp tác xã đã sử dụng các phương án giải cứu như sục, bơm nước, tạo ôxy, tăng ôxy khô… để cải thiện môi trường thủy sinh. Đến ngày 20/10, gần như toàn bộ cá trong các lồng nuôi bị chết, nổi trắng mặt nước. Đến trưa 22/10, vẫn còn khoảng hơn 30 tấn cá chưa được vớt lên để chôn lấp, tiêu hủy, bốc mùi hôi rất khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Cũng theo ông Phạm Khang Mừng, quan sát bên ngoài cũng như mổ các loại cá bị chết đều không phát hiện hiện tượng bất thường. Không chỉ cá ở các lồng nuôi bị chết, nhiều loài cá khác được Hợp tác xã nuôi thả trong lòng hồ cũng chết nhưng tỷ lệ ít hơn so với cá trong lồng nuôi. Trong số khoảng 80 tấn cá bị chết, cá rô phi chiếm phần lớn, trong đó có khoảng 60 tấn cá sắp xuất bán, cung ứng ra thị trường. Các loại cá có giá trị kinh tế cao như tầm, lăng… đã nuôi được 3 năm.
Có mặt tại hiện trường, ông Trần Văn Yên, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), người có hơn 40 năm kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản cho biết: Theo quan sát, mặt nước lòng hồ Hồng Khếnh rất rộng, nước trong, đa phần là nước mới, màu nước rất đẹp. Cá trong lồng nuôi chết đột ngột nhưng cá ở ngoài lồng nuôi cũng chết lác đác nên khó xác định được nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết bất thường này.
Theo ông Phạm Khang Mừng, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hải Hà, năm 2014, cá nuôi lồng của Hợp tác xã từng xảy ra tình trạng cá chết bất thường nhưng thiệt hại không đáng kể. Lần này là một rủi ro rất đáng tiếc, các thành viên trong Hợp tác xã đều bàng hoàng, rất mong cơ quan chức năng, chuyên môn sớm tìm ra nguyên nhân, đồng thời có phương án hỗ trợ, động viên để Hợp tác xã sớm phục hồi, phát triển kinh tế theo mô hình này. Ngày 21/10, Trung tâm Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã trực tiếp đến hiện trường lấy mẫu nước, mẫu bệnh phẩm cá để phân tích nhưng chưa có kết quả.
Huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) có gần 1.200 ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó có nhiều hồ lớn như: Hồng Khếnh (Thanh Hưng), Hồng Sạt (Sam Mứn), Pe Luông (Thanh Luông)... Huyện đã chỉ đạo các xã, hợp tác xã phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa, tăng giá trị kinh tế. Riêng hồ Hồng Khếnh có diện tích 5,4 km2, mặt nước khoảng hơn 22 ha.