Theo kết quả giám định của Trung tâm Kỹ thuật quan trắc môi trường, tất cả các mẫu nước khi được xét nghiệm đều không bị ô nhiễm và nằm trong qui chuẩn cho phép. Khu vực bè nuôi cá hai tầng mặt và tầng đáy không bị ô nhiễm.
Ông Nguyễn Tường Chuẩn, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Sơn cho biết: “Các mẫu nước này được lấy tại 2 tầng mặt và đáy cách khu vực bè nuôi 400m về hướng Bắc, khu vực đang hút cát gần bờ, cách bè nuôi 600m về hướng Tây Bắc, khu vực hút cát cách khu vực bè nuôi 500m về hướng Tây. Đây là các điểm có khả năng gây ảnh hưởng đến các lồng nuôi của người dân”.
Ông Nguyễn Tường Chuẩn khẳng định: "Có thể cho thấy hoạt động hút cát chỉ gây xáo trộn cục bộ, không ảnh hưởng đến khu vực bè nuôi. Khu vực bè nuôi cũng không bị ô nhiễm, chỉ có tầng đáy khuẩn coli biến thiên nhẹ do hoạt động nuôi cá gây nên. Như vậy, nguồn nước không bị ô nhiễm, mẫu cá cũng an toàn”.
Ngoài ra, sau khi Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ngãi lấy mẫu cá chết gửi Chi cục Thú y vùng IV phân tích, xét nghiệm Betanodavirus gây bệnh hoại tử thần kinh (VNN), đại diện ngành nông nghiệp tỉnh đã công bố kết quả phân tích mẫu cá chết này. Theo đó, mẫu cá âm tính với vi rút gây bệnh hoại tử thần kinh.
Đại diện ngành nông nghiệp cho rằng: “Việc xét nghiệm bệnh này là do chúng tôi dựa vào kết quả kiểm tra lâm sàng như: trước khi cá chết đều nổi đầu lên mặt nước đớp bóng, bơi lờ đờ không định hướng, sau đó yếu dần rồi chết chìm xuống đáy lồng. Toàn thân cá chết không có dấu hiệu bệnh lý rõ ràng…để loại trừ dần các loại bệnh khác. Và tại vùng nuôi này cá thường hay mắc phải bệnh hoại tử thần kinh”.
Tại buổi công bố kết quả, một số người dân mong muốn chính quyền địa phương cần có phương án hỗ trợ, giúp đỡ người dân bị thiệt hại nặng về kinh tế do cá bị chết trong thời gian qua; đồng thời khẳng định chính quyền địa phương đã khuyến cáo không được nuôi tại khu vực quy hoạch nhưng vì chưa có việc làm và ham lợi nên đã phớt lờ.
Liên quan đến nguyên nhân cá chết, ông Lý Thọ, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: Sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu nước và mẫu cá chết, nguyên nhân cá chết là do người dân di chuyển lồng bè từ nơi này sang nơi khác (nhằm tránh trú mưa bão) dẫn đến việc thay đổi môi trường nước đột ngột nên gây ra chết.
Về vấn đề nuôi trồng thủy sản tự phát của người dân, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn khẳng định: Khu vực Bình Thạnh đều nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp và không cho nuôi trồng thủy sản; chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, vận động đồng thời đưa ra khuyến cáo nhưng người dân vẫn nuôi. Tuy nhiên, trước những thiệt hại của người dân, huyện cũng đã khẩn trương xây dựng các phương án hỗ trợ để hạn chế tối đa tổn thất cho người dân.
Cũng tại buổi công bố, bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư huyện ủy Bình Sơn chia sẻ những khó khăn mà người dân xã Bình Thạnh gặp phải đồng thời khẳng định huyện Bình Sơn đã xây dựng phương án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân trong khu vực để trình lên UBND tỉnh. Trước mắt, huyện đã làm việc, kêu gọi với một số doanh nghiệp, công ty trên địa bàn thu mua cá bớp cho người dân nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đối với số cá còn lại, người dân phải đề xuất địa điểm người dân cho rằng không bị ô nhiễm (địa điểm phù hợp) để di chuyển lồng bè tới nuôi (vì rõ ràng khu vực này không được nuôi); đồng thời cam đoan không tiếp tục nuôi cá trong thời gian tới.
Cùng thời gian này, tại UBND xã Bình Đông, huyện Bình Sơn cũng tổ chức buổi công bố kết quả xét nghiệm mẫu cá và mẫu nước liên quan đến việc cá bị chết bất thường tại khu vực Khu kinh tế Dung Quất.
Trước đó, từ ngày 5 – 9/10, đã có khoảng 71 hộ của 3 xã Bình Thạnh, Bình Đông và Bình Thuận có cá nuôi bị chết với tổng số lồng khoảng 694 lồng. Cá chết có thời gian thả nuôi khoảng 5- 8 tháng. Thiệt hại do cá chết lên đến hàng tỷ đồng.