Cá lồng chết do xả lũ có chiều hướng gia tăng

Từ ngày 9/7, Công ty Thủy điện Hòa Bình phải mở 2 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và phát điện tối đa (tổng lưu lượng xả 3.970 m3/s) đã gây ra thiệt hại nặng nề cho người nuôi cá lồng trên sông Đà thuộc 2 huyện của tỉnh Phú Thọ là Thanh Sơn và Thanh Thủy.

Điều đáng lo ngại là hiện tượng này không những không giảm mà còn có chiều hướng cá chết nhiều hơn nhiều lần, khiến người dân lo lắng.

Nhiều lồng cá nuôi ở Sông Đà bị chết hơn 50%. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Theo chân cán bộ khuyến nông xã Xuân Lộc, chúng tôi tìm đến hộ anh Bùi Ngọc Thanh ở khu 5, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy. Anh cho biết, gia đình có 7 lồng thả chủ yếu là cá rô phi, diêu hồng, lăng và trắm. Từ 3 giờ chiều ngày 10/7, gia đình phát hiện cá bắt đầu lác đác chết. Đến nay, số lượng cá chết tăng dần, ước tính thiệt hại đã lên đến 700 triệu đồng.

“Nếu năm 2017, so với các hộ nuôi cá lồng trên sông Đà bị thiệt hại do hồ Hòa Bình xả lũ thì gia đình tôi chỉ thiệt hại khoảng 200 triệu đồng nhưng năm nay với 7 lồng cá này đang có nguy cơ mất trắng mà không biết làm gì để cứu cá…”, ông Thanh than thở.

Cùng chung cảnh ngộ với hộ anh Thanh, anh Dương Tiến Dũng khu 5, Xuân Lộc có 17 lồng cá thì có tới 7 lồng cá lăng đang sắp sửa cho thu hoạch, mỗi con ước khoảng từ 1-2 kg cũng đang chết nhiều, còn lại là cá trắm, rô phi, diêu hồng cũng đang lác đác nổi trắng bụng trên các lồng cá.

Anh Dũng cho hay, sau khi hồ thủy điện xả đáy cửa số 2, gia đình đã cảm thấy lo lắng khi nước trong lồng sủi bọt, cá quẫy mạnh hơn và liên tục ngoi lên, hiện tượng này cũng giống như vụ cá chết năm 2017 do thủy điện Hòa Bình xả lũ và cũng xả đáy cửa số 2.

Tính đến ngày 12/7, số cá chết trong mỗi lồng của hộ nhà anh Dũng chiếm từ 20 - 50%, cá biệt, có lồng chết từ 70%-100%, chủ yếu là cá lăng. Số lượng lồng bị thiệt hại hiện vẫn đang có dấu hiệu tăng dần.

“Trước khi xảy ra hiện tượng cá chết, gia đình cũng nhận được thông báo về việc xả lũ nhưng do cá chưa đủ tuổi thu hoạch nên không thể bán được. Mặt khác, nếu có di chuyển thì cũng không biết di chuyển đi đâu bởi số lượng cá lên đến cả tấn. Bởi thế mới dẫn đến thiệt hại nặng nề như vậy”, anh Dũng chia sẻ.

Dọc theo tuyến sông Đà từ xã Xuân Lộc lên đến Phượng Mao, huyện Thanh Thủy hiện có 321 lồng cá, người dân nuôi thả chủ yếu là các loại cá lăng, diêu hồng, rô phi, trắm. Ông Thiều Minh Thế, Chủ nhiệm Hợp tác xã cá lồng Thanh Thủy cho biết, hợp tác xã hiện có hơn 340 lồng cá của 30 hộ dân; trong đó, riêng xã Xuân Lộc có gần 150 lồng. Tình trạng cá chết bắt đầu xuất hiện từ chiều 10/7. Ban đầu cá trong lồng ngoi ngóp lên mặt nước, chết lác đác nhưng sau đó, số lượng cá chết tăng dần. Điều đáng lo ngại là hiện tượng không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng nhiều lần hơn, khiến người dân lo lắng.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Thanh Thủy, từ ngày 7/7 - 11/7  thủy điện Hòa Bình xả lũ đã gây thiệt hại cho các hộ nuôi cá lồng trên sông Đà. Tính đến 11 giờ ngày 12/7 số lồng cá bị thiệt hại là 76 lồng; trong đó, số lồng bị thiệt hại với mức độ dưới 30% là 51 lồng; số lồng bị thiệt hại với mức độ từ 30 - 70% là 25 lồng. Thiệt hại ước tính trên 13,6 tấn với khoảng 2,6 tỷ đồng. Cá chết chủ yếu có chung một triệu chứng phát ban, sần đỏ trên thân cá và cá bỏ ăn.

Trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ được biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ các hộ nuôi cá lồng của các xã bị ảnh hưởng do xả lũ, đơn vị đã cử cán bộ phối hợp đội ngũ khuyến nông huyện và xã về nắm tình hình, động viên các hộ nuôi cá.

Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi neo đậu và gia cố lồng cá vào sát bờ để đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đối với cá đã đến tuổi thu hoạch cần khẩn trương thu, bán tránh thiệt hại thêm nặng nề. Đối với cá nhỏ bị chết có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Số cá bị hư hỏng cần chôn lấp để tránh gây ô nhiễm môi trường.


Cùng với đó, tiếp tục theo dõi để báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng, vì hiện tại thủy điện Hòa Bình mới xả 2 cửa, nước vẫn về nhiều nên đập Hòa Bình chưa có lịch đóng cửa xả đáy.

UBND huyện Thanh Thủy cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với UBND các xã tiến hành kiểm tra, nắm bắt tình hình để hướng dẫn bà con chủ động vệ sinh làm thoáng mặt lồng nuôi cá, di chuyển lồng vào những khu vực an toàn, hạn chế dòng nước chảy xiết, thống kê thiệt hại.

Huyện Thanh Thủy cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND huyện tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết, thống kê thiệt hại, báo cáo UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ kịp thời để ổn định sản xuất và đời sống cho người dân. Cùng đó, hướng dẫn bà con triển khai các biện pháp khắc phục nhằm giảm thiểu thiệt hại cho những hộ nuôi cá lồng trên địa bàn huyện.

Trước đó, vào cuối tháng 7/2017, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp và đới gió Đông Nam nên đã xảy ra mưa vừa, mưa to, Công ty Thủy điện Hòa Bình phải mở 3 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai  đã làm mực nước sông Đà dâng cao, nước đục và chảy xiết khiến 413 lồng cá của các hộ dân nuôi cá lồng trên sông Đà bị mất trắng; sản lượng thiệt hại ước khoảng 407 tấn cá. Đây là thiệt hại về kinh tế lớn nhất của các hộ dân nuôi cá lồng huyện Thanh Thủy trong mùa mưa bão năm 2017.

SaveSave
Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Cá lồng trên Sông Đà chết hàng loạt do xả lũ
Cá lồng trên Sông Đà chết hàng loạt do xả lũ

Từ khoảng 15 giờ ngày 10/7, sau khi hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ cửa số 2, nhiều lồng cá của các hộ nuôi cá lồng trên sông Đà, thuộc địa bàn xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ và nhiều xã khác trên địa bàn huyện bắt đầu xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN