Đột phá nhờ công nghiệp
Ông Bùi Huy Vĩnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, năm 1997 cơ cấu kinh tế là nông nghiệp 52%, dịch vụ 36%, công nghiệp 12%, thu ngân sách đạt gần 100 tỷ đồng và cùng thời điểm tỉnh cần nhiều sự cấp giúp của Trung ương do vừa tái lập nhưng bắt tay vào xây dựng đơn vị hành chính mới với nhiều khó khăn, thách thức. Những năm gần đây, quê hương “khoán hộ” đã có những bứt phá ngoạn mục về phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Quang Đắn - người dân thôn Thanh Giã - Khai Quang - TP Vĩnh Yên, tâm sự: Trước đây thành phố Vĩnh Yên ở khu vực ngoài khu dân cư rất nhiều nơi là gò đồi, ao, hồ, kênh... Người dân những nơi này rất khổ sở do canh tác khó khăn, đất đai khô cằn, vùng trũng mưa nhỏ đã ngập. Nhiều thanh niên trẻ dù ở đô thị những cũng phải phiêu bạt khắp các tỉnh, thành để tìm kiếm việc làm mưu sinh, nhưng công việc xa quê cũng bấp bênh. Lúc tái lập tỉnh, cái đói cơ bản không còn nữa, nhưng dân Vĩnh Yên cũng như bà con các huyện trong tỉnh vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu lắm!
Vĩnh Phúc đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông. |
Tuy vậy, với sự năng động, sáng tạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành và sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của nhân dân trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã dần phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả các tiềm năng, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển.
Trong nhiều hội nghị lớn, tỉnh đã xác định phải đa dạng hóa sản xuất, nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh phát triển giàu mạnh. Từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp với quy mô 50 ha, đến nay tỉnh có 19 danh mục khu công nghiệp được Thủ tướng phê duyệt với diện tích 5,5 ngàn ha, trong đó có 11 khu đã được thành lập với diện tích 2,3 ngàn ha. Đến nay, Vĩnh Phúc đã có hàng loạt doanh nghiệp lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định với nhiều sản phẩm chủ lực và có giá trị, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp chủ yếu cho ngân sách và gia tăng xuất khẩu cho tỉnh như: Toyota, Honda, Piagio, Deawoo Bus, tập đoàn Prime, thép Việt Đức...
Ông Đỗ Đình Việt, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, cho biết: Sau 20 năm tái lập, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, khẳng định và nâng cao vị thế so với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước. Đến nay, Vĩnh Phúc đã thu hút được 856 dự án, gồm 227 dự án vốn đầu tư nước ngoài ( FDI) với số vốn đăng ký đạt 3,4 tỷ USD và 629 dự án vốn đầu tư trong nước ( DDI) với số vốn đăng ký 49,2 ngàn tỷ đồng, trong đó phần lớn các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng của Vĩnh Phúc nhiều năm đạt ở mức cao, đặc biệt có những năm đạt trên 20%, bình quân giai đoạn 1997 - 2016 ước đạt 15,37%.
Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; chủ động cải cách các thủ tục hành chính nhất là cải cách thủ tục hành chính; từng bước hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện và được các nhà đầu tư đánh giá cao, nhiều năm liền Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) luôn nằm trong tốp đầu của cả nước.
Từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, đến năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối được và có điều tiết cho ngân sách Trung ương; năm 2009 thu ngân sách vượt mốc 10 ngàn tỷ đồng; đến năm 2014 đạt “mốc son” mới vượt 20 ngàn tỷ đồng và ước thực hiện năm 2016 đạt 28,5 ngàn tỷ đồng (tăng gần 251 lần so với năm 1997). Chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đảm bảo phục vụ kịp thời nhiệm vụ của tỉnh.
Hướng đến phát triển bền vững
Một trong những vấn đề mà gần đây được Vĩnh Phúc quan tâm là tiếp tục khai thác những tiềm năng, lợi thế để phát triển. Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng ổn định, bền vững. Ngoài các sản phẩm công nghiệp đã có, tỉnh đang thu hút một số ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ phụ trợ, sản phẩm công nghệ cao... Tiếp tục đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả ngành "công nghiệp không khói" trước mắt tập trung vào khu nghỉ mát thị trấn Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên, Đầm Vạc, Hồ Đại Lải, hệ thống di tích, các công trình văn hóa tín ngưỡng nói chung.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Vĩnh Phúc, đặc biệt là thành phố Vĩnh Yên đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì Vĩnh Yên đang thực hiện đồng bộ nhiều dự án liên quan đến hạ tầng đô thị, tạo điểm nhấn cho đô thị xanh như hoàn thiện công viên cây xanh, hệ thống cây xanh đô thị được quy hoạch theo tuyến đường. Hệ thống cây xanh trên các tuyến phố hiện có và tuyến mới đang được triển khai. Các vườn hoa, vườn dạo quanh các khu dân cư được quy hoạch hợp lý. Cùng với đảm bảo không gian xanh với hệ thống vườn hoa công viên, công trình văn hóa công cộng, các vành đai xanh và hồ nước đẹp cũng được phân bố hợp lý trên từng địa bàn.
Vĩnh Phúc đang chủ động mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực, có uy tín và làm ra các sản phẩm giá trị có sức cạnh tranh về Vĩnh Phúc để đầu tư. Tỉnh không chấp nhập các doanh nghiệp làm ăn "chộp giật", coi nhẹ vấn đề môi trường gây ảnh hưởng đến người dân. Tỉnh luôn "trải thảm đỏ" nhưng chỉ chấp nhận những "đôi giầy sạch".