Bỏ ngỏ chất lượng nước sinh hoạt ở các chung cư Hà Nội

Chất lượng nước sinh hoạt đang là vấn đề trăn trở của cộng đồng cư dân sống tại nhiều chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nước sinh hoạt chưa đảm bảo đang tác động trực tiếp tới đời sống, sức khỏe, tinh thần cùng nhiều hệ lụy khác cho hàng nghìn hộ dân sống tại các chung cư ở Thủ đô.

Chung cư cao cấp, nhưng nước không đảm bảo

Không chỉ có những chung cư bình dân, chung cư cũ xuống cấp chất lượng nước không đảm bảo mà ngay cả những chung cư cao cấp người dân cũng đang khóc dở, mếu dở vì chất lượng nước.

Cứ mùa hè đến, cư dân ở khu nhà Mulberry Lane do Công ty CapitaLand Hoàng Thành (Hà Đông) làm chủ đầu tư lại phản ánh về tình trạng nước sinh hoạt có màu đen, nhiều cặn nhỏ. Mới đây nhất, dịp đầu hè năm nay, nhiều hộ dân sống ở tòa nhà cao cấp trên phát hoảng khi biết được nước đang sử dụng có màu vàng, đen, nhiều cặn, mùi tanh.

Tại nhiều két xả bồn cầu, nước đen kịt một cách bất thường, tạo thành những lớp cặn dày. Cùng với chất lượng nước chưa đảm bảo thì cư dân ở tòa nhà trên cũng đang phải đối mặt với việc thiếu nước. Để khắc phục tình trạng chất lượng nước sinh hoạt chưa đảm bảo, nhiều cư dân ở đây đã lắp đặt thiết bị lọc nước, gây tốn kém và bức xúc.

Qua tìm hiểu, biết được nước của chung cư Mulberry Lane do Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp theo dạng thông qua đồng hồ tổng bơm vào bể chứa. Còn từ đồng hồ tổng tới các hộ gia đình do Công ty CapitaLand Hoàng Thành chịu trách nhiệm phân bổ.

Đại diện Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cho biết, trước thực trạng thành phố Hà Nội đang bị thiếu nước như hiện nay thì việc chung cư Mulberry Lane ở cuối nguồn cấp nước sẽ phải cấp nước theo giờ. Do vậy, khi nước trong bể chứa của Mulberry Lane gần hết, nước được bơm đến tạo ra một áp lực khiến cho lượng cặn bẩn nhiều ngày trong bể bung lên, gây ra hiện tượng nước đen, vẩn đục.

Không giống như Mulberry Lane, một số chung cư khác trên địa bàn Thủ đô, nước sinh hoạt bị bẩn do chủ đầu tư chưa quan tâm đến chất lượng nước với nhiều nguyên nhân khác nhau.

A Vũ Hiển sống tại tòa nhà CT4, chung cư Khu đô thị mới Tứ Hiệp (Thanh Trì) cho biết, từ khi chuyển về sinh sống năm 2016 đến nay, gia đình anh cùng một số hộ dân khác thi thoảng phải chứng kiến cảnh nước bị vẩn đục, có màu hơi vàng. Hoặc có thời điểm sáng sớm khi mở vòi để sử dụng thì thấy nước có màu xám đen hơi vẩn cặn.

Đem bức xúc xen lẫn lo âu, anh Hiển cùng một số cư dân phản ánh với chủ đầu tư tòa nhà và được giải thích rằng, họ không khoan giếng trực tiếp để bán cho cư dân mà nước sạch của cả khu đô thị do đơn vị được cấp có thẩm quyền cho phép cung cấp. Biện pháp trước mắt mà phía tòa nhà đưa ra là tích cực thau rửa bể để hạn chế thấp nhất tình trạng nước bị nhiễm bẩn.

Còn bà Nguyễn Thị Thuận ở tòa NƠ 7B Khu bán đảo Linh Đàm (Hoàng Mai) than thở: "Chẳng biết người dân chúng tôi đã phải ăn uống nước nhiễm bẩn này từ bao giờ, chỉ biết rằng đầu tháng 3 vừa qua, khi lấy nước ra sử dụng chúng tôi phát hiện thấy mùi hôi thối. Truy lùng nguồn gốc phát hiện ra rằng, bể nước của tòa nhà đã bị bể phốt của tòa nhà bên cạnh ngấm sang".

Khắc phục tình trạng này, người dân tòa nhà đã tìm cách trát lại bể, nhưng cũng không biết là hiệu quả của việc làm đó đến đâu và liệu rằng có xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian tới.

Ai chịu trách nhiệm?


Nước chung cư bị nhiễm bẩn, không đảm bảo chất lượng sinh hoạt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tinh thần của cư dân. Nhưng tiếc thay việc quy trách nhiệm cho các bên liên quan dẫn đến tình trạng nước bẩn lại rất khó khăn. Đơn vị cung cấp đưa ra bằng chứng nước được các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra và cấp phép, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn hiện hành. Còn đơn vị quản lý chung cư lại cho rằng, chỉ biết mua nước của đơn vị cung cấp.

Theo đại diện một công ty chuyên cung cấp nước sạch tại địa bàn Hà Nội, việc phối hợp giữa đơn vị cung cấp nước sạch với Ban quản lý tòa nhà về nước không phải lúc nào cũng thuận lợi. Bởi lẽ công ty chỉ biết cung cấp nước sạch đến đồng hồ tổng, còn từ đồng hồ tổng đến các hộ dân do Ban quản lý tòa nhà chịu trách nhiệm. Công ty không thể đến từng hộ dân để kiểm tra bể chứa cũng như các thiết bị nước vì việc vào kiểm tra phải được sự cho phép của Ban quản lý tòa nhà.

Nhìn chung, có rất nhiều lý do được đưa ra khi xem xét trách nhiệm của các bên dẫn tới nước tại các chung cư bị bẩn. Theo quy định hiện nay của thành phố Hà Nội, việc kiểm tra xử phạt chủ tòa nhà có nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng thuộc thẩm quyền của Sở Y tế Hà Nội. Còn chung cư có được phép hoạt động nữa hay không sau khi bị xử phạt về nước không đảm bảo lại thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng.

Trước mùa hè năm nay, một động thái mạnh mẽ được ngành y tế Thủ đô đưa ra là lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước uống, nước sinh hoạt tại 100% cơ sở cấp nước đang hoạt động. Tất nhiên, kết quả kiểm tra hầu hết các cơ sở cấp nước đều đảm bảo chất lượng, nhưng trên thực tế do yếu tố khách quan và chủ quan, nguồn nước chung cư lại không đảm bảo.

Điều này cho thấy, cần phải có một cơ chế quản lý nước ở các chung cư một cách chặt chẽ và khoa học. Đặc biệt, quy trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với những chung cư có nguồn nước chưa đảm bảo đã đưa vào sử dụng nhằm bảo vệ sức khỏe cho mỗi cư dân.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân ở Nam Định bị ô nhiễm
Nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân ở Nam Định bị ô nhiễm

Khoảng 2 đến 3 năm trở lại đây, hàng nghìn người dân sống tại xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN