Nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân ở Nam Định bị ô nhiễm

Khoảng 2 đến 3 năm trở lại đây, hàng nghìn người dân sống tại xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.

Nguồn nước chuyển màu và có mùi hôi, tanh.

Nước vẩn đục như nước ruộng, rêu xanh nhưng người dân vẫn phải sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày vì không còn nguồn nước nào khác.

Theo phản ánh của người dân, thời gian đầu khi mới xây dựng trạm xử lý nước sạch thì nước rất trong, nhưng từ 2 đến 3 năm trở lại đây nước chuyển màu và không có mùi clo như trước. Nhiều hôm xả đến chậu thứ 3 nhưng nước vẫn còn đen, để một lúc lắng xuống thì nước có rất nhiều cặn, thậm chí còn nhìn thấy cả bọ gậy bơi trong nước.

Chị Đinh Thị Trâm, người dân xóm Bắc Phong cho biết: Nguồn nước ở đây bẩn lắm, tắm thì rất là ngứa, có con lăng quăng, nhiều hôm vặn nước từ buổi tối mà sáng hôm sau nước vẫn có mùi hôi thối.

Chị Bùi Thị Phúc ở xóm Chùa, xã Yên Ninh bức xúc nói, nước tại xóm nhà tôi ở cuối nguồn có lúc 1 tuần mới có, có lúc 1 tháng mới có một lần, khi xả ra thì dòng nước đầu tiên là màu xanh và rất hôi tanh, nhiều khi có cả rêu. Thời gian gần đây gia đình tôi phải dùng nước mưa chứ không dám dùng nước máy nữa.

Người dân xã Yên Ninh đang phải mua nước sạch sinh hoạt với giá 4.500 đồng/khối, vì nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm nên đa số các hộ dân trong xã từ lâu không dám sử dụng nước trực tiếp từ đường ống, gia đình nào cũng phải xây bể, sau đó để lắng lại mới dám dùng. Người dân trong xã còn bức xúc cho rằng Trạm xử lý nước sinh hoạt đã bơm nước sông lên để bán cho dân chứ không phải là đưa nước sạch về cho dân. “Chúng tôi muốn có nước sạch sử dụng để đảm bảo sức khỏe, còn nước như thế này cũng với giá tiền như vậy chúng tôi không hài lòng”- chị Đinh Thị Trâm bức xúc nói.

Trạm xử lý nước sinh hoạt xã Yên Ninh được đưa vào sử dụng từ năm 2004 do Ủy ban nhân xã Yên Ninh quản lý, hiện nay có khoảng gần 3.500 hộ dân trong xã đang sử dụng. Vị trí lấy nước của Trạm xử lý nước sạch xã Yên Ninh nằm trên dòng sông Sắt tiếp giáp với nhiều làng nghề truyền thống như đồ gỗ, mây tre đan xuất khẩu, đúc đồng… Trên mặt sông có nhiều loại rác thải, nước đục ngầu, nhiều khúc sông nước có màu đen, đây được xác định là nguyên nhân chính dẫn làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt cấp cho người dân toàn xã.

Ông Nguyễn Công Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Ninh cho biết: do nhà máy đã làm từ năm 2004 nên hệ thống ống cũng xuống cấp trong khi dân thì nhu cầu cao dẫn đến việc nhà máy không thể đáp ứng được. Để khắc phục tình trạng trên, trước mắt xã sẽ tìm cách để giảm tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm còn về lâu dài xã đã làm tờ trình lên huyện Ý Yên và Trung tâm nước sạch tỉnh Nam Định xin đấu nối với nhà máy nước tại xã khác và lấy nguồn nước từ sông Đào, vì hiện nay nước sông Sắt đã ngày càng cạn kiệt do bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh của người dân Yên Ninh hiện nay là hết sức cấp bách, các cấp chính quyền cần nhanh chóng có những biện pháp nhằm cải thiện nguồn nước sinh hoạt để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Công Luật (TTXVN)
Nguồn nước sinh hoạt đen kịt và bốc mùi hôi tanh, nghi do trang trại lợn
Nguồn nước sinh hoạt đen kịt và bốc mùi hôi tanh, nghi do trang trại lợn

Từ nhiều tháng nay, hàng chục hộ dân xóm Cốc Coóc, xã Chí Thảo (huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt bởi các giếng, mỏ nước (mạch nước chảy ra từ các hốc đá) trên địa bàn bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN