Bỏ hoang những công trình nước sạch tiền tỷ

Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn rất có ý nghĩa đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều công trình nước sạch nông thôn tại nhiều địa phương hoạt động không hiệu quả, thậm chí bị “đắp chiếu” trong khi người dân phải dùng nước ô nhiễm.

 

Bỏ hoang những công trình tiền tỷ

 

Có công trình xây dựng xong cả chục năm nhưng chưa từng vận hành hoặc chỉ vận hành được một thời gian rồi lại bỏ hoang. Đây là thực tế sử dụng công trình nước sạch nông thôn tại một số địa phương ở Hà Nội.

 

Dân dùng nước ô nhiễm, trạm nước sạch bỏ hoang


Ông Trần Ngọc Thuần (xóm 6, thôn Trung Văn, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm) từ trước đến nay chưa một lần được dùng nguồn nước sạch mặc dù công trình nước sạch nông thôn của thôn Trung Văn được đầu tư xây dựng từ những năm 2000.

 

Hơn chục năm, công trình nước sạch ở thôn Trung Văn lãng phí, trong khi người dân phải xoay xở xử lý nước giếng khoan để ăn.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã, công trình xây dựng thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư các hạng mục: giếng khoan, máy bơm, bể lọc, bể chứa nước. Giai đoạn 2 (năm 2006) đầu tư đường ống đến tận các hộ dân trong thôn. Năm 2009, UBND xã đã bàn giao cho HTX Quyết Tiến quản lý, vận hành. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng dùng thử, đến nay, công trình cung cấp nước sạch này bị đóng cửa, bỏ hoang.


Hệ thống nước sạch hiện nay không hoạt động, trong khi đó, theo ông Nguyễn Tùng Lâm, người dân phải dùng nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. “Hiện nay, nhà nào cũng phải dùng nước giếng khoan. Nhà nào cũng khoan giếng sâu gần 90 m. Nước không lọc thì để một lúc, đáy đọng cặn vàng như bùn. Các nhà có kinh tế khá đều phải mua máy lọc nước 3- 4 triệu đồng để lọc lấy nước nấu ăn”, ông Trần Ngọc Thuần cho biết.


Hiện nay, các máy bơm áp vẫn được bảo quản tốt nhưng theo bà Nguyễn Thị Len, Chủ nhiệm HTX Quyết Tiến, toàn bộ hệ thống đường ống làm bằng kẽm qua nhiều năm bị chôn sâu trong lòng đất nên xuống cấp nghiêm trọng. Đường ống trục chính bị bục nhiều chỗ sau nhiều lần nâng cấp đường làng.


Theo bà Nguyễn Thị Len, trước nhu cầu về nước sạch của người dân trong thôn, HTX đã kiến nghị với Đảng ủy, Hội đồng nhân dân và UBND xin được khớp nối với hệ thống nước sạch Sông Đà từ dự án Vinaconex 3 để người dân được dùng nước chất lượng tốt. Đồng thời, cũng mong muốn thay toàn bộ hệ thống đường ống mới bằng chất liệu polime để lắp đặt.


 

Máy bơm áp ở thôn Trung Văn, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm (Hà Nội) “phủ bụi” từ những năm 2000 đến nay.

 

Tuy nhiên các cán bộ xã cũng chưa chắc chắn là bao giờ người dân thôn Trung Văn mới có nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn để dùng.
Công trình vài tỷ đồng: Xây rồi… “để đấy”


Thực trạng các công trình nước sạch bị lãng phí không chỉ là chuyện của riêng thôn Trung Văn. Ông Lý Danh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - (NN&PTNT) - Hà Nội) cho biết: Đến hết năm 2011, cả thành phố có 104 công trình nước sạch nông thôn được xây dựng bằng cơ chế: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và dân đóng góp. Với các công trình này, chủ yếu ngân sách cấp là để xây dựng công trình đầu mối, một số mạng đường ống trục chính. Đến hết năm 2011 có 91 công trình đang hoạt động, còn lại là những công trình chưa một lần vận hành.


Một số trạm cấp nước xây dựng dở dang do Nhà nước đầu tư 60% kinh phí nhưng địa phương không huy động được dân đóng góp nên dùng hết tiền Nhà nước đầu tư là… “để đấy”. Mỗi công trình đầu tư vài ba tỉ đồng, có công trình 6 - 7 tỷ đồng. Một số công trình khác, như ở xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh) do quá trình khảo sát lập dự án đầu tư, chủ dự án không làm đến nơi đến chốn, khi làm đến công đoạn lắp đường ống, đồng hồ thì dân không chịu bỏ tiền đóng góp thêm, nên cũng không hoạt động được.


Riêng 5 công trình cấp nước ở các xã Phù Đổng, Kim Lan (huyện Gia Lâm), Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), Xuân Nộn (huyện Đông Anh), An Mỹ (huyện Mỹ Đức) hiện nay đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng do đầu tư xây dựng chưa đồng bộ. Có những công trình xây dựng từ năm 1998 mà vẫn chưa đưa vào hoạt động. “Công trình ở thôn Đoan Nữ (xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức) xây dựng năm 1998, đến nay, trong trạm bơm không còn gì, bể nứt vỡ. Nhà trạm bơm thì dân dùng để bán gà, ngan, vịt, ngỗng quay. Trạm cấp nước thì rêu, cát tấn công”, ông Sơn mô tả.


Thảm cảnh tương tự là Trạm cấp nước ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) xây dựng khoảng năm 2002 hoặc trạm của thôn Kim Tiên (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) xây dựng xong khoảng năm 2000 nhưng vẫn chưa vận hành một ngày nào. Ông Sơn ngán ngẩm: “Có hai giả thiết. Một là do công tác lập dự án không đến nơi đến chốn và hai là công tác quản lý dự án không tốt nên dự án đã được đầu tư nhưng vẫn không được đưa vào sử dụng”?!?

 

Mạnh Minh

Tìm mô hình quản lý vận hành phù hợp

Để đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân ngày càng cao, quan trọng là xử lý thế nào với những công trình đang bị lãng phí, đồng thời tìm các mô hình quản lý vận hành sau đầu tư phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN