Hôm nay, hai làng dân tộc người Bahnar Kuk Kun và Kuk Đăk ở xã An Thành, huyện Đăk Pơ (Gia Lai) đã trở lại sự yên bình vốn có. Bà con đang tập trung ra sức xây dựng buôn làng ngày càng phát triển, ấm no và hạnh phúc. Những cánh đồng mía cao sản đang vươn mình trải dài một màu xanh biếc, đàn bò lai Shin thảnh thơi gặm cỏ ven những con đường làng. Các lớp học nhộn nhịp tiếng trẻ thơ đánh vần cùng học tập, sen lẫn tiếng hát hồn nhiên giữa thầy cô giáo và các em học sinh...
Hệ thống nước tự chảy được kéo về làng Kuk Kun. |
Cũng như bao buôn làng dân tộc khác trên địa bàn, hai làng Kuk Kun và Kuk Đăk đã được tổ chức định canh định cư từ lâu. Làng Kuk Kun có 120 hộ với gần 600 nhân khẩu, làng Kuk Đăk có 90 hộ với 460 khẩu đều là dân tộc Bahnar, bà con dần xóa bỏ các tập tục lạc hậu và đang vươn lên bằng nếp nghĩ - cách làm ăn mới, cuộc sống đang dần ổn định và nâng cao. Chỉ cách đây vài năm "tà đạo Hà Mòn" đã len lỏi vào trong cộng đồng của hai làng Kuk Kun và Kuk Đăk phá vỡ sự yên bình vốn có, nhiều người bị kích động, xúi dục theo tà đạo này đã có những hoạt động chống phá Nhà nước, bỏ sản xuất, không cho con em đến trường lớp học chữ... Đinh Kứ, một trong những tên cầm đầu đã phát tán "thư Đức mẹ" cho dân làng, chỉ đạo dân làng đọc kinh cầu nguyện, duy trì các hoạt động phản cách mạng và không ai được bỏ đạo. Có những thời điểm số đối tượng theo "tà đạo Hà Mòn" lên tới 21 hộ với hơn 100 nhân khẩu, trong số đó có 22 đối tượng bị lực lượng phản động xúi dục bỏ trốn ra rừng để móc nối hoạt động chống phá và vận động bà con gây rối trật tự.
"Hà Mòn" là một loại tà đạo Nhà nước không cho phép hoạt động, bởi đây là một loại hình tín ngưỡng do bọn phản động tự dựng lên để chống phá Nhà nước, không nằm trong hệ thống tôn giáo thuần túy như Phật giáo, Công giáo, Tin lành... được cả thế giới thừa nhận. Trước tình hình trên, huyện Đăk Pơ đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm xóa bỏ các hoạt động của "tà đạo Hà Mòn" và trả lại sự yên bình cho dân làng Kuk Kun và Kuk Đăk. Công tác tuyên truyền, vận động đối với các hộ theo "tà đạo Hà Mòn" đã được đẩy mạnh thường xuyên và liên tục, trên cơ sở tranh thủ người có uy tín, già làng, trưởng bản và các chức sắc tôn giáo trên địa bàn. Huyện đã tổ chức tiếp xúc hơn 200 lượt người và đã phân tích cho họ thấy trách nhiệm của bản thân trong việc không để con em mình tham gia hoạt động "tà đạo Hà Mòn" quay về hoạt động các tôn giáo thuần túy. Đồng thời, thông qua lực lượng cốt cán, người có uy tín trong làng tuyên truyền đến nhân dân hiểu rõ về hoạt động và bản chất của tổ chức phản động FULRO lợi dụng tà đạo này nhằm đạt được những mục đích đen tối.
Với phương châm tuyên truyền "mưa dầm thấm lâu" đã làm thay đổi về nhận thức của người dân ở hai làng Kuk Kun và Kuk Đăk, bà con đã tự bỏ không theo "tà đạo Hà Mòn" và kêu gọi con em lâu nay trốn khỏi địa bàn quay trở về sinh hoạt với tôn giáo thuần túy và chung sống cùng với cộng đồng. Đinh Brươm, dân tộc Bahnar, một trong số những đối tượng trốn ra rừng từ năm 2010 và tự nguyện trở về với cộng đồng, tâm sự: "Mình sống ở trong rừng hơn 3 năm, khổ lắm. Có những lúc không được tiếp tế lương thực từ gia đình, mình phải tìm củ mài để ăn cho qua ngày, tối đến lại ngủ trên những đống lá khô và chẳng đêm nào được ngon giấc. Nghe lời khuyên bảo của cha mẹ, sự động viên của cán bộ mình tự nguyện trở về buôn làng và được sống yên ấm cùng gia đình và cộng đồng”. Già làng Đinh Dống ở làng Kuk Kun thì nói một cách dõng dạc: “Già không bao giờ chấp nhận có một thứ tà đạo như đạo "Hà Mòn" tồn tại trong làng được, bà con nên tránh xa bởi nó là thứ độc hại làm cho dân làng mất đoàn kết, gây khó khăn trong đời sống và sinh hoạt của dân làng...”.
Đi đôi với việc tuyên truyền, vận động, huyện Đăk Pơ cũng đã ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất cho người dân ở hai làng Kuk Kun và Kuk Đăk nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống. Hiện nay các hộ dân tại hai làng trên đều được thụ hưởng các lợi ích từ các chương trình mục tiêu quốc gia mang lại như điện - đường - trường - trạm; xóa nhà ở dột nát và thụ hưởng từ các chính sách ưu tiên khác của Nhà nước. Ngoài ra, các cơ quan, ban ngành trên địa bàn còn hỗ trợ tiền của và ngày công lao động sửa chữa lại nhà rông ở làng Kuk Kun, xây dựng 2 giếng nước sinh hoạt tập thể cho 2 làng, xây dựng 4 nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo. Triển khai công tác sửa chữa và nâng cấp các đoạn đường bê tông nông thôn, cống thoát nước; đầu tư xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ giống cây trồng - vật nuôi, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức nhiều đợt khám - chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân...
Ông Trần Hữu Đức, Bí thư Huyện ủy Đăk Pơ khẳng định: Hiện nay trên địa bàn huyện không còn hoạt động của "tà đạo Hà Mòn", người dân ở hai làng Kuk Kun và Kuk Đăk đã trở lại sự yên bình vốn có. Những người theo "tà đạo Hà Mòn" trước đây đã thể hiện sự tích cực trong mọi sinh hoạt và việc làm, chú tâm trong lao động sản xuất, hòa nhập với cộng đồng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, huyện cũng có những giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn kịp thời, không để cho "tà đạo Hà Mòn" phục hồi và hoạt động trên địa bàn huyện nói chung và ở hai làng Kuk Kun và Kuk Đăk nói riêng.
Bài và ảnh: Văn Thông