Ngay chiều 13/3, Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh đã có công văn và giấy giới thiệu gửi sang bệnh viện Từ Dũ để xin hồ sơ khám bệnh ban đầu của bé P. N. học lớp 1 tại trường tiểu học L.T.V bị nghi ngờ có dấu hiệu xâm hại tình dục, nhưng phía Chi hội vẫn chưa biết là khi nào sẽ nhận được hồ sơ bệnh án.
Thông tin chậm trễ từ bệnh viện dễ khiến dư luận hoài nghi về kết quả. |
Trước đó, Công an quận Thủ Đức đã có kết quả giám định ban đầu cho thấy màng trinh của bé P. N. không bị rách và không có tinh dịch trong âm đạo. Tuy nhiên, Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho rằng đó vẫn chỉ là kết quả từ phía công an đưa ra và Hội còn phải chờ thêm kết quả từ phía bệnh viện Từ Dũ.
Luật sư Bích Liên, đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, Chi hội phó chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Sáng nay (14/3) Hội có đến bệnh viện để xin hồ sơ thăm khám ban đầu của bé gái học lớp 1 ở trưởng Tiểu học L.T.V bị nghi ngờ là có dấu hiệu xâm hại tình dục, nhưng bệnh viện cho biết vẫn chưa thể cung cấp hồ sơ này được. Nguyên nhân bệnh viện đưa ra là do hồ sơ bệnh án này có liên quan đến vụ việc mà dư luận đang quan tâm gần đây nên cần phải xin ý kiến và công văn chỉ đạo từ phía Sở Y tế TP Hồ Chí Minh".
"Phía bệnh viện vẫn chưa cho biết khi nào sẽ cung cấp hồ sơ khám bệnh ban đầu cho chúng tôi. Việc bệnh viện chậm trễ trong việc cung cấp thông tin khiến cho dư luận càng đặt nhiều nghi vấn về vụ việc trên hơn", luật sư Bích Liên cho biết thêm.
Theo căn cứ khoản 4 Điều 59 Luật khám, chữa bệnh 2009 quy định thì người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh quyết định cho phép khai thác hồ sơ bệnh án trong các trường hợp như: Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ quan điều tra; Viện kiểm sát; tòa án; thanh tra chuyên ngành y tế; cơ quan bảo hiểm; tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần; luật sư được mượn hồ sơ bệnh án tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền cho phép.
Cũng theo Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, việc thủ tục rườm rà đã dẫn đến chậm chứng cứ, thậm chí thiếu chứng cứ để điều trị trẻ bị xâm hại. Chẳng hạn, có trường hợp bé bị xâm hại ngày thứ sáu nhưng thứ bảy, chủ nhật là bên công an nghỉ. Một cơ sở để đi giám định pháp y là công an phải cho giấy mới đi giám định được, thì thứ bảy, chủ nhật nghỉ, đến thứ hai lại chưa hỗ trợ các em được vì bận đi họp giao ban nguyên buổi sáng thì đến chiều không còn chứng cứ trong vòng 24 tiếng.
Theo đó, Chi hội cũng đã đề xuất trong các hội thảo về trẻ em là nên bỏ và nên giảm hẳn thủ tục rườm rà. Ví dụ như trẻ bị xâm hại, cha mẹ dắt tới bệnh viện Từ Dũ khám, tức là đã tìm ra chứng cứ thì nên công nhận kết quả đó. Trong khi đó, thủ tục là phải bắt có cơ quan công an đưa đi thì kết quả đó mới được công nhận.
Báo Tin Tức sẽ tiếp tục đưa thông tin về vụ việc trên.