Thông thường, vào giữa năm, ngành y tế đã có kết quả đấu thầu thuốc cho các bệnh viện mua dùng và dự trữ cho năm tới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vẫn chưa hoàn tất việc đấu thầu tập trung. Điều này khiến cho nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu thuốc trầm trọng.
“Cầm cự” do thiếu thuốc
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, ở một số bệnh viện, nhiều bệnh nhân đang phải đi lại nhiều lần hoặc phải mua thuốc ở ngoài... bởi các bệnh viện rơi vào tình trạng hết thuốc hoặc số thuốc dự trù rất ít. Chị Ngô Thị Đợi, từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lên tái khám tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho biết: “Bình thường bệnh viện cho thuốc về uống một tháng nhưng đợt này thiếu thuốc nên chỉ kê thuốc cho tôi uống nửa tháng và hẹn 2 tuần sau lên tái khám”.
Nếu không giải quyết kịp thời tình trạng thiếu thuốc ở các bệnh viện, khó tránh khỏi bệnh nhân BHYT phải ra ngoài mua thuốc với giá cao. Phương Vy - TTXVN |
Đại diện Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM thừa nhận, hiện một số loại thuốc rất cần cho bệnh nhân ung thư tại đây đã cạn, chỉ còn đủ cung cấp cho bệnh nhân tới hết tháng 8/2013. Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, bệnh viện đã gửi công văn đề nghị các công ty dược gia hạn, kéo dài thêm thời gian hợp đồng và bệnh viện sẽ cố gắng thanh toán, nhưng hầu như các công ty dược đều từ chối, bởi đều rất sợ khi xuất hóa đơn mà trong thời gian không được phép gia hạn của UBND TP, bệnh viện sẽ không có khả năng thanh toán.
Tương tự, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cũng đã hết thuốc và chỉ còn lại một số loại thuốc để “cầm cự” tới cuối tháng 8. Nhiều ngày nay, bệnh viện đã phải xử trí bằng cách cho bệnh nhân về và hẹn ngày quay lại vì hết thuốc.
BS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết hiện bệnh viện có khoảng 300 mặt hàng thuốc sử dụng cho bệnh nhân nhưng trên 50 loại thuốc đã hết, chỉ còn đủ dùng cho 1 - 2 tuần nữa. Đáng lo ngại là trong hơn 50 mặt hàng này có nhiều loại thuốc cấp cứu, thuốc trong phòng mổ dùng cho bệnh nhân mổ tim, phẫu thuật. Theo dự báo của Bệnh viện Nhi Đồng 1, tối đa là tới tháng 10/2013, bệnh viện sẽ hết nhiều loại thuốc rất cần thiết cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng vậy, trong tổng số 500 mặt hàng thuốc thì có 86 mặt hàng đã hết, trong đó có nhiều loại dịch truyền axitamin và kháng sinh rất quan trọng trong điều trị cho bệnh nhi.
“Bệnh viện đã phải giãn lịch mổ để chờ có đủ thuốc cho bệnh nhân nhưng ngay lập tức gặp phải phản ứng của thân nhân người bệnh. Hiện bệnh viện đã tìm cách mua thuốc từ những nguồn khác nhau để cung ứng kịp thời cho bệnh nhân nhưng chắc không kéo dài được lâu”, BS Nguyễn Thanh Hùng cho biết.
“Đủng đỉnh” đấu thầu
Bà Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết: Ngành bảo hiểm cũng đang “loay hoay” trong việc thanh toán thuốc vì không biết sẽ thanh toán thuốc theo giá nào trong khi chưa có kết quả đấu thầu, còn nếu thanh toán thuốc theo kết quả đấu thầu năm 2012 thì chưa được UBND TP chấp thuận. “Nếu không giải quyết nhanh, tình trạng thiếu thuốc ở các bệnh viện sẽ ngày một trầm trọng hơn và rất dễ xảy ra tình trạng bệnh nhân BHYT phải ra ngoài mua thuốc”, bà Huyền lo ngại.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: “Các bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu thuốc là do đến nay chúng ta chưa có kết quả đấu thầu cho năm 2013, vẫn chưa thống nhất trong việc đấu thầu thuốc tập trung. Việc đấu thầu thuốc tập trung hiện nay có khó khăn là nếu chỉ có một loại thuốc trúng thầu cho toàn bộ hệ thống bệnh viện trên địa bàn thành phố thì khó có đơn vị nào cung ứng nổi. Do đó, cần phải có quy định mở như đàm phán giá đối với một nhóm mặt hàng, sau khi đàm phán giá xong thì gửi kết quả cho các bệnh viện để tùy theo kinh nghiệm của bệnh viện và bác sĩ mà có thể lựa chọn loại thuốc phù hợp mà không vượt quá mức giá đã đàm phán. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa đàm phán xong”.
Để giải quyết tình trạng này, trước mắt đối với 25 loại hoạt chất quy định, các bệnh viện căn cứ theo giá phổ biến, còn những thuốc không có trong 25 hoạt chất thì các bệnh viện nên mua tăng số lượng theo giá năm 2012 và xin cho mua thuốc đến cuối năm 2013. Hiện Sở Y tế TP.HCM đã có báo cáo cụ thể lên UBND TP về tình hình khó khăn của các bệnh viện để có cách giải quyết nhanh nhất. Đồng thời, Sở Y tế cũng đang khẩn trương triển khai công tác đấu thầu thuốc tập trung và đấu thầu trang thiết bị y tế 2013. “Bằng mọi cách không để kéo dài tình trạng thiếu thuốc ở các bệnh viện”, bà Lan cho biết.
Đan Phương