Là bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn đã đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, đặc biệt trong các chuyên khoa tiết niệu, gan mật, gây mê hồi sức và Chẩn đoán hình ảnh. Đội ngũ nhân lực hiện có gồm các bác sĩ chuyên ngành được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, một số trang thiết bị phục vụ ghép tạng, đặc biệt là dụng cụ vi phẫu, hệ thống bảo quản tạng, và phòng mổ chuyên dụng vẫn cần được bổ sung.
Các chuyên khoa chính như tiết niệu và gan mật đã triển khai một số kỹ thuật phẫu thuật nền tảng như cắt thận, phẫu thuật mạch máu. Khoa Gây mê hồi sức đảm bảo các tiêu chuẩn hồi sức cơ bản, nhưng cần bổ sung nhân lực và thuốc chuyên dụng phục vụ ghép tạng. Khoa Chẩn đoán hình ảnh, với trang thiết bị hiện đại như máy cộng hưởng từ và CT, có thể hỗ trợ chẩn đoán tiền và hậu phẫu.
Tuy nhiên, một số vấn đề còn tồn tại như thiếu phòng cách ly cho bệnh nhân ghép, hệ thống xét nghiệm miễn dịch, và đào tạo kỹ thuật viên. Lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn nhấn mạnh sự cần thiết của việc nhận chuyển giao kỹ thuật ghép thận và gan, phù hợp với định hướng phát triển.
Vừa qua, ngày 7/12/2024, Bệnh viện Thanh Nhàn đã thực hiện thành công ca lấy tạng đầu tiên từ một người hiến tạng chết não. Trong ca phẫu thuật này, các bác sĩ đã lấy thành công tim, gan và thận, phối hợp với các trung tâm ghép tạng khác để bảo quản và vận chuyển tạng an toàn. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước tiến trong năng lực chuyên môn và khẳng định sự sẵn sàng của bệnh viện trong việc triển khai các kỹ thuật ghép tạng trong thời gian tới.
TS. Dương Đức Hùng khẳng định, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, với điều kiện đảm bảo đào tạo bài bản, bền vững, tuân thủ quy định pháp luật. Bệnh viện Thanh Nhàn sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị nguồn kinh phí bổ sung trang thiết bị, thuốc và nhân lực.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là đơn vị hàng đầu cả nước trong lĩnh vực ghép tạng, với nhiều thành tựu nổi bật. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 63 ca ghép tim, 6 ca ghép phổi, 120 ca ghép gan (102 ca từ người hiến chết não) và 2.000 ca ghép thận (185 ca từ người hiến chết não). Ngoài ra, bệnh viện cũng đã phẫu thuật lấy đa tạng từ 121 trường hợp hiến tạng chết não, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho hơn 10 bệnh viện trong cả nước.
Danh mục chuyển giao Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho bệnh viện Thanh Nhàn bao gồm đào tạo toàn diện từ tuyển chọn người hiến và nhận tạng, kỹ thuật phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu, đến xây dựng hệ thống xét nghiệm và tư vấn hiến tạng. Các phòng ban sẽ phối hợp triển khai lộ trình tiếp nhận gói kỹ thuật, hướng tới mục tiêu thực hiện các ca ghép đầu tiên trong tương lai gần.
Cuộc khảo sát và thành công từ ca lấy tạng ngày 7/12 là những bước tiến lớn trong lộ trình phát triển y học ghép tạng tại Việt Nam, mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân đang chờ ghép gan, thận.