Bệnh viện Đa khoa chưa đưa vào sử dụng đã xuống cấp

Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Trực (Nam Định) được chuyển từ nơi ô nhiễm, ồn ào do hoạt động của làng nghề về trung tâm của huyện, được đầu tư xây mới với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Nhưng hiện dư luận địa phương đang rất bức xúc trước thực trạng công trình chưa thể đưa vào sử dụng, vì còn dang dở do thiếu vốn thì đã xuất hiện lún nền nhà, tường bị rêu mốc, bong tróc...

Từ năm 2008, UBND tỉnh Nam Định đầu tư xây dựng 4 bệnh viện tuyến tỉnh và 11 bệnh viện tuyến huyện với tổng vốn đầu tư 1.185,6 tỷ đồng, theo Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 2/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện". Trong đó Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Trực được duyệt 88 tỷ đồng để xây mới với diện tích 3 ha tại xã Nam Hùng, huyện Nam Trực.

Dự án công trình Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Trực được khởi công từ năm 2008 với 20 hạng mục, đến nay đã cơ bản hoàn thành 12 hạng mục, bao gồm san nền, khu nhà khám bệnh-hành chính (2 tầng), khu nhà điều trị nội trú (3 tầng), hàng rào, nhà thường trực, bể nước ngầm, nhà đại thể, bê tông sân đường nội bộ... với giá trị khối lượng thực hiện ước 44,956 tỷ đồng.

Các hạng mục còn thiếu gồm nhà xét nghiệm, chẩn đoán hành ảnh; khu nhà điều trị 2 tầng, nhà khoa dược và chống nhiễm khuẩn; nhà truyền nhiễm, nhà cầu 2 tầng và một số hạng mục phụ trợ.

Điều đáng nói là trong khi một số hạng mục còn đang hoàn thiện và nhiều khác mục khác chưa triển khai vì thiếu kinh phí, khu nhà khám bệnh - hành chính 2 tầng (đã hoàn thiện và được nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư là Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Trực) đã có dấu hiệu xuống cấp, gây bức xúc dư luận tại địa phương.

Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, khu khám bệnh - hành chính 2 tầng nhìn từ xa khá khang trang, nhưng khi lại gần thì khó có thể tin được đây là công trình vừa xây mới. Hầu như toàn bộ phần sơn đã bị bong tróc, nhiều chỗ bị rêu mốc. Tại một số phòng ở tầng 2 của khu nhà, nền lát gạch men đã bị vênh, bồng, không còn phẳng dù chưa đưa vào sử dụng. Một số phòng vệ sinh cũng trở nên "tàn tạ" vì trần nhựa sập hẳn xuống do bão, gió. Bước vào khu nhà này có thể thấy cảnh tượng dơ bẩn và hôi hám, vì hầu hết các phòng ở tầng một được người trông coi sử dụng để nuôi gà và chim.

Riêng khu nhà mới hoàn thiện, chưa đưa vào sử dụng nhưng phần phía Đông Nam của khu nhà đã xuất hiện lún, vết nứt cũng hiện diện một số vị trí.

Làm việc với phóng viên, ông Trần Văn Tuyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Trực cho biết: Một số hạng mục đã được bàn giao nhưng toàn bộ dự án chưa biết bao giờ xong để đưa vào sử dụng vì không có vốn. Lúc đầu bệnh viện được duyệt cải tạo, nâng cấp với kinh phí 36 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ. Nhưng sau khi tính toán, UBND tỉnh quyết định chuyển bệnh viện ra vị trí mới tại xã Nam Hùng, vì vị trí cũ vừa trật trội vừa ô nhiễm, ồn ào do gần làng nghề Vân Chàng nên kinh phí cũng được điều chỉnh tăng lên 88 tỷ đồng. Đến nay giá trị khối lượng công trình đã thực hiện được gần 45 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân 31,81 tỷ đồng, số còn lại vẫn nợ nhà thầu. "Để có thể hoàn thiện chúng tôi cần tới 30 tỷ đồng nữa nhưng không biết lấy đâu ra?!", ông Tuyên nói.

Còn theo ông Ngô Gia Tự, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định, do UBND tỉnh duyệt tăng quy mô kinh phí dự án công trình Bệnh viện Đa khoa Nam Trực thêm 33,506 tỷ đồng, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư không chấp thuận cho sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đối với phần tăng, mà chỉ chấp thuận 54,494 tỷ đồng. Đến nay, số vốn còn thiếu theo quyết định giao là 22,684 tỷ đồng.

Như vậy theo cách giải thích của ông Tuyên và ông Tự, dự án công trình Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Trực sẽ tiếp tục chờ kinh phí trong bối cảnh ngân sách của tỉnh Nam Định còn khó khăn, chỉ đáp ứng được trên 21% chi tiêu toàn tỉnh năm 2013. Khi vốn chưa được bổ sung, dự án rơi vào cảnh dang dở gây lãng phí lớn, đó là chưa kể công trình có xuống cấp thêm hay không.


Nguyễn Trường

Xuống cấp nhanh như nhà tái định cư ở Kon Tum
Xuống cấp nhanh như nhà tái định cư ở Kon Tum

Sau cơn bão số 9 lịch sử (tháng 9/2009), huyện Tumơrông, tỉnh Kon Tum là địa phương bị thiệt hại nặng nhất của cả nước. Hàng nghìn hộ dân có nguy cơ bị lũ lụt đe dọa. Một dự án dời dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm đã được tỉnh Kon Tum triển khai khẩn cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN