Tại Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương và khoa Nhi một số bệnh viện đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân mắc sởi cũng như các biến chứng do bệnh này mang lại. Bệnh nhân đông, hậu quả nặng nề và khả năng điều trị chưa đáp ứng là nguyên nhân khiến dư luận đặt vấn đề: Nên chăng đã đến lúc công bố dịch sởi?
Tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), các bệnh nhi phải nằm ghép 2-3 cháu/giường bệnh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Phạm Nhật An, hiện tại, số bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện là 1.750 cháu, trong đó bệnh hô hấp là 1.000 cháu, riêng bệnh sởi là 250 cháu. "Những ngày qua, thời tiết có nắng nhưng bệnh nhân nhập viện do sởi không giảm, mỗi ngày có 20-30 ca nhập viện", Phó Giám đốc Phạm Nhật An cho biết.
Bệnh viện quá tải
Chị Đỗ Thị Nhị (Bắc Ninh) ôm đứa con 8 tháng tuổi mệt thỉu trên tay, chờ chực trong nắng đầu hè ở sân Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) từ sáng tới hơn 2 giờ chiều mới có kết quả xét nghiệm. Bé đi ngoài 15 lần/ngày, viêm phế quản (nghi là viêm xuống phổi), không ăn và nôn liên tục mấy ngày. Mặt nổi những chấm đỏ, họng và hậu môn hơi loét.
“Em rất lo lắng, muốn xin nhập viện nhưng ở đây đông quá, không có chỗ cho con. Bác sĩ bảo nghi mắc sởi, về nhà theo dõi thêm, mà bé thì đã quá yếu thế này”, chị Nhị nói trong nước mắt.
Tại Hà Nội, những ngày qua, số bệnh nhi mắc sởi tập trung nhiều ở Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Xanh Pôn của Hà Nội.
“Bệnh viện Nhi Trung ương đã dành riêng khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi và sử dụng thêm hàng chục giường ở khoa Cấp cứu lưu, khoa Tâm bệnh, Đông y. Đặc biệt, phòng của bác sỹ, của lãnh đạo khoa cũng được trưng dụng để thành buồng bệnh, điều trị bệnh nhi mắc sởi”, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Phạm Nhật An cho biết. Thực tế, dù Bệnh viện Nhi Trung ương đã tận dụng các phòng làm việc để điều trị nhưng số trẻ phải nằm ghép vẫn cao.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải về bệnh sởi ở một số bệnh viện Hà Nội là do vượt tuyến theo tâm lý, gia đình nào cũng mong muốn con mình được điều trị tốt nhất. Thêm vào đó là số bệnh nhân mắc các bệnh khác do thời tiết giao mùa.
Theo các bác sĩ, việc không đủ giường bệnh để thực hiện cách ly, phòng chống lây nhiễm nên nguy cơ nhiễm chéo virút sởi hoặc các bệnh nhiễm trùng khác trong bệnh viện là rất lớn.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
"Số mắc sởi tại cộng đồng năm nay có thấp hơn so với đợt dịch năm 2009-2010 nhưng số tử vong cao hơn, số ca nặng nhiều hơn", tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay.
Theo tiến sĩ Trần Đắc Phu, trong số 103 trường hợp tử vong ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương đến ngày 15/4, có 25 ca tử vong do sởi, 78 ca còn lại bệnh tình nặng, xin về và tử vong do mắc sởi kết hợp với các bệnh khác như viêm phổi, viêm đường hô hấp, tim mạch, suy dinh dưỡng… Bệnh viện Bạch Mai cũng báo cáo 4 ca, Bệnh viện Nhiệt đới có 1 ca tử vong do sởi.
Theo ông Phạm Nhật An, Bệnh viện Nhi Trung ương đã áp dụng các phác đồ điều trị tối ưu trong điều trị bệnh nhi mắc sởi như sử dụng kết hợp 3 loại kháng sinh, sử dụng máy thở, hỗ trợ hô hấp, lọc máu… “Có trường hợp sau khi tình hình bệnh ổn định và tiến triển tốt thì tổng chi phí điều trị lên tới 400 triệu đồng”, ông An cho biết.
Thực tế tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm nay cho thấy: Phần lớn bệnh nhân mắc sởi nặng là do có bệnh lý ở phổi hoặc bị biến chứng viêm phổi sau sởi. “Cách đây một tháng, Hội đồng chuyên môn về điều trị của Bộ Y tế đã kết luận là chưa cần sửa đổi Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi. Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, hội đồng lại tiếp tục họp nghiên cứu thêm về vấn đề này để đánh giá, rút kinh nghiệm trong điều trị, tìm giải pháp điều trị tốt hơn”, TS Trần Đắc Phu cho biết.
Theo TS Trần Đắc Phu: Thời điểm hiện tại có nhiều dịch bệnh song hành, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết giao mùa là điều kiện để các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi ở trẻ em phát triển với nhiều triệu chứng tương tự như bệnh sởi và cũng có thể là biến chứng của bệnh sởi.
Bệnh viêm phổi là nguyên nhân cao nhất gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh viêm phổi cũng do nhiều tác nhân virút hoặc vi khuẩn gây bệnh khác nhau, trong đó không phải ca nào cũng xác định được chính xác tác nhân gây bệnh. Một vấn đề nữa là số trường hợp tử vong chỉ tập trung chủ yếu ở phía Bắc mà phía Nam chưa có. Chính vì vậy, Bộ Y tế đang tiếp tục tìm hiểu nghiên cứu về virút học, đặc điểm lâm sàng, dịch tễ học của bệnh để có những kết luận chính xác nhất.
Hiện tại, dư luận xã hội khá lo lắng vì tình hình dịch bệnh và khả năng điều trị của các bệnh viện. Cũng xuất hiện một số ý kiến cho rằng: ngành y tế nên sớm xem xét và công bố dịch sởi để cảnh báo cho cộng đồng cũng như huy động nguồn lực cho công tác điều trị.
Xuất toàn bộ máy thở còn lại Ngày 15/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân sởi. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế phải đảm bảo đầy đủ thuốc điều trị cho bệnh nhi nhiễm sởi, mua ngay các loại thuốc còn thiếu, mua thêm thuốc để phòng tránh lây nhiễm chéo từ sởi sang các bệnh khác và ngược lại; xuất cấp toàn bộ máy thở còn lại trong nguồn dự trữ quốc gia, xem xét mua các máy thở mới, các thiết bị hỗ trợ hô hấp để kịp thời phục vụ điều trị bệnh nhân. |
PV