Chiều 13/2, Bác sĩ Phạm Bá Đà, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, bệnh nhân Lường Thị Hiên, 37 tuổi, cán bộ phụ trách công tác thú y phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum) nghi nhiễm cúm A/H5N1 đã được xuất viện.
Trước đó khoảng 21 giờ ngày 9/2, chị Hiên phải nhập viện trong tình trạng sốt cao 38,5 độ và có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn… Điều lo lắng của bệnh nhân và gia đình là chị Hiên đang mang thai 8 tuần tuổi. Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, chị có đến gia đình anh Phan Thanh Long ở tổ 4, phường Ngô Mây để kiểm tra ổ dịch cúm gia cầm mới bùng phát và kết quả xét nghiệm đàn gà của anh Long nhiễm cúm A/H5N1.
Trong quá trình cách ly điều trị triệu chứng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, sức khỏe của chị Hiên dần hồi phục. Kết quả xét nghiệm sau đó của Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên khẳng định chị Lường Thị Hiên chỉ bị nhiễm cúm mùa (H3N2) thông thường và đã được xuất viện vào sáng 13/2. Các bác sĩ cũng khuyến cáo chị Hiên trong những ngày tới cần chú ý đến các biểu hiện của cơ thể và tái khám ngay khi có triệu chứng của bệnh cúm.
Cùng ngày, kết quả mẫu xét nghiệm đối với gia cầm bị chết ở công ty TNHH MTV 78 (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) đã cho kết quả dương tính với cúm A H5N1. Như vậy, đến thời điểm này, toàn tỉnh Kon Tum đã xuất hiện 4 ổ dịch cúm gia cầm tại 3 địa phương gồm: 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, cùng thành phố Kon Tum. Trước diễn biến phức tạp trên, chiều nay tỉnh Kon Tum đã bắt đầu tiêm phòng dịch cúm A H5N1 cho đàn gia cầm tại các ổ dịch và địa bàn trọng điểm.
Việc tiêm phòng dịch cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm bắt đầu từ phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum. Đây là địa phương có ổ dịch phát sinh đầu tiên vào ngày 26/1 với gần 1.000 con gia cầm phải tiêu hủy. Trong các ngày tiếp theo, việc tiêm phòng dịch sẽ được Trạm Thú y thành phố Kon Tum triển khai ở phường Ngô Mây và các xã phường xung quanh. Tại hai huyện có ổ dịch khác là Ngọc Hồi và Sa Thầy, việc tiêm phòng cho đàn gia cầm cũng đang được khẩn trương thực hiện.
Tính đến chiều 13/2, Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum đã xuất cấp 80.000 liều vắc xin cho 5 huyện, thành phố là: Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô và thành phố Kon Tum để tiêm bao vây ổ dịch và tiêm những vùng trọng điểm. Ngoài ra, Chi cục cũng đã xuất cấp 10.000 lít hóa chất Ben-cô-xít để các địa phương thực hiện việc tiêu độc khử trùng.
Ông Phạm Ngọc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum cho biết: “Địa phương đã triển khai rất quyết liệt xử lý các điểm dịch vừa qua. Tiêu hủy triệt để và xử lý môi trường của các điểm dịch. Cùng với đó, Chi cục cũng tập trung vào việc tiêm phòng cho những đàn nguy cơ cũng như xung quanh khu vực ổ dịch để khống chế. Đồng thời, Chi cục triển khai quyết liệt tháng khử trùng tiêu độc theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Ngoài ra, Chi cục chỉ đạo cho tất cả các trạm thú ý tăng cường công tác kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh cũng như tình hình chăn nuôi gia cầm trên toàn địa bàn tỉnh để rà soát lại tình hình dịch bệnh nói chung”.
Cao Nguyên