Trả lời: Ông Huỳnh Kim Quân, Giám đốc BHXH tỉnh Bến Tre, cho biết: Đến cuối tháng 6/2017, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 414 doanh nghiệp đang nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền trên 37 tỷ đồng.
Trong đó, 4 doanh nghiệp nợ dài hạn với số tiền lớn như: Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Huy Thuận nợ 3,1 tỷ đồng (thời gian nợ 41 tháng); Doanh nghiệp tư nhân in Trần Tiến nợ gần 812 triệu đồng (thời gian nợ 52 tháng); Công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông Bến Tre nợ 3,6 tỷ đồng (thời gian nợ 34 tháng); Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre nợ 4 tỷ đồng (thời gian nợ 16 tháng). Phần lớn doanh nghiệp nợ bảo hiểm do khó khăn trong sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lợi dụng sự hỗ trợ của Nhà nước trong kêu gọi đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động địa phương... để né tránh không đóng hoặc đóng không đủ, thậm chí để nợ bảo hiểm kéo dài. Thời gian qua, ở Bến Tre chưa có tổ chức Công đoàn đứng ra khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm, điều này khiến các doanh nghiệp “chây ì” trong việc trả nợ.
Ngoài ra, theo quy định của Chính phủ, các cơ quan Nhà nước không được đến thanh tra, kiểm tra một doanh nghiệp quá 2 lần/năm. Quy định này sẽ hạn chế việc đến doanh nghiệp thanh tra, kiểm tra thu nợ BHXH. Do đó, số nợ sẽ tăng đối với các doanh nghiệp không chấp hành tốt quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Để khắc phục những vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ đọng, BHXH Bến Tre đã ghi lại biên bản sau khi tổ công tác thu hồi nợ làm việc với doanh nghiệp, sau đó chuyển sang thanh tra chuyên ngành xử lý.
Nếu thanh tra chuyên ngành không xử lý được thì chuyển sang thanh tra lao động (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) xử lý. Nếu bước này vẫn chưa giải quyết được sẽ báo cáo UBND tỉnh để làm thủ tục xử phạt hoặc BHXH khởi kiện ra tòa.