Việc ban hành lệnh này nhằm kịp thời khắc phục, ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông và xói lở bờ biển ở các khu vực trên đang diễn ra nghiêm trọng để bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân và công trình hạ tầng giao thông.
Theo đó, tỉnh triển khai xây dựng tuyến kè ngầm giảm sóng bằng cọc bê tông dự ứng lực dọc theo bờ biển với chiều dài 688,9m; cao độ đỉnh kè +1,8m; bề rộng mặt kè B=2,5m, tại khu vực Cồn Lợi, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Công trình được xây dựng trong năm 2021, với tổng kinh phí khoảng 35 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương cho các dự án cấp bách.
Bến Tre cũng triển khai xây dựng mới tuyến kè khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Bến Tre, xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre, nhằm ổn định bờ sông, nhà cửa, công trình hạ tầng, giao thông khu vực, đảm bảo cuộc sống của các hộ dân trong vùng sạt lở, góp phần chỉnh trang đô thị, tạo mỹ quan khu vực thành phố Bến Tre.
Theo thiết kế, công trình có chiều dài 692 m; cao độ đỉnh kè +3.00m; cao độ vỉa hè +2.50m; cao độ rãnh thu nước +2.00m. Công trình được xây dựng trong năm 2021, với tổng kinh phí khoảng 75 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương cho các dự án cấp bách.
Để các dự án triển khai đúng tiến độ, UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre tổ chức thực hiện theo đúng quy trình hiện hành. Ban Quản lý được tự quyết định toàn bộ hoạt động đầu tư xây dựng sau thiết kế cơ sở, bao gồm: giao tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng và các công việc cần thiết khác phục vụ xây dựng công trình khẩn cấp.
UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật về xây dựng. Sở chịu trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre thẩm định từng phần thiết kế bản vẽ thi công để kịp thời triển khai đáp ứng yêu cầu khẩn cấp.
UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND thành phố Bến Tre, UBND huyện Thạnh Phú tổ chức thực hiện công tác giải phòng mặt bằng theo quy định, đồng thời vận động nhân dân kịp thời bàn gian mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre thực hiện công trình, đáp ứng yêu cầu xây dựng công trình khẩn cấp.
Theo UBND tỉnh, khoảng 5 năm trở lại đây, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại lớn đối với sản xuất, dân sinh của người dân. Trong đó, sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài khoảng 114,5 km, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân; sạt lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 19 km đã làm mất khoảng 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển. Các năm 2019 và 2020, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển tại một số khu vực huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và thành phố Bến Tre, gồm 4 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 6,9 km; tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam với chiều dài sạt lở gần 3 km.
Thời gian tới, Bến Tre đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển. Ngành chức năng tỉnh nghiên cứu, quan trắc, thông báo diễn biến sạt lở; cảnh báo vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có các biện pháp thích hợp phòng tránh, hoặc giảm thiểu thiệt hại; tổ chức di dời dự án, nhà cửa, công trình ra khỏi khu vực đang xảy ra sạt lở nguy hiểm hoặc có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; lập quy hoạch, kế hoạch và phương án di dời dân cư, công trình trong vùng sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở...