Giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nhiều địa phương, do đòi hỏi kinh phí và sự đóng góp rất lớn từ người dân. Xã Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An là một trong những điểm sáng thực hiện thành công đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn trước khi hoàn thành các tiêu chí khác của nông thôn mới.
Thay đổi bộ mặt vùng quêQuê Mỹ Thạnh là xã vùng thượng thuộc huyện Tân Trụ. Đây là xã thuần nông, đa số người dân sống dựa vào nghề trồng lúa nước. Trên địa bàn xã có 2 đường cấp tỉnh, 1 hương lộ và 24 km đường giao thông liên ấp. Trước đây, các tuyến đường liên ấp trong xã chỉ rộng từ 1,5 m đến 2 m, được đắp bằng đất ruộng nên việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân gặp không ít khó khăn.
Con đường bê tông hóa tại xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, Long An. |
Từ năm 2008, thực hiện chủ trương của huyện Tân Trụ, xã Quê Mỹ Thạnh đã triển khai đề án bê tông hóa giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Sau 6 năm triển khai thực hiện, toàn xã Quê Mỹ Thạnh đã hoàn thành 45 đoạn đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài đạt 24 km, mặt đường rộng từ 2,5 - 3 m.
Đưa chúng tôi đi xem con đường Chín Dư - Ba Trầm chạy quanh ấp 2 đã được trải lớp bê tông phẳng lì, cô Nguyễn Ngọc Lan ở ấp 2 vui mừng nói: “Trước đây đường giao thông trong xã chủ yếu là đất nhỏ hẹp, ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì lầy lội. Việc đi lại, vận chuyển nông sản và vật tư nông nghiệp vì thế mà vô cùng khó khăn. Từ khi đường giao thông được mở rộng và bê tông hóa tới từng nhà trong ấp thì việc đi lại của người dân thuận lợi hơn rất nhiều”.
Có thể nói từ sự đổi thay của con đường này, hình ảnh những ngôi nhà của bà con dường như khoác thêm “màu áo” mới. Ông Nguyễn Văn Lẹ, ngụ tại ấp 2 đang cùng một số bà con khác dọn dẹp lại mảnh sân trước nhà, cắt tỉa, trồng lại hàng rào bằng hàng dâm bụt, trồng hoa trước sân nhà… điều mà trước đây ít thấy ở vùng quê này. Ông nói: “Đường sá giờ khang trang quá nên tui làm lại cái hàng rào cho đẹp để tương xứng với con đường bê tông này chứ. Hồi đó, đường sá bụi bặm, sình lầy thì mình đâu có thiết tha gì. Nhưng giờ mình phải có ý thức vì công sức của Đảng, Nhà nước của bà con bỏ ra đâu có nhỏ”, ông Lẹ cười nói.
Thành công từ sự
năng động
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn không phải vấn đề dễ dàng. Nhất là với những người dân quanh năm chỉ dựa vào mấy công ruộng thì việc đóng góp tiền triệu là cả một gánh nặng, chưa kể nhiều hộ còn mất đất sản xuất. Với diện tích tự nhiên khá rộng, nhiều đoạn đường ở Quê Mỹ Thạnh có chung điều kiện cách xa trung tâm xã, nhà dân thưa thớt. Để giảm bớt gánh nặng đóng góp cho các hộ dân, ban vận động làm đường giao thông nông thôn các ấp đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt trong quá trình quyên góp, vận động các nguồn lực.
“Đoạn đường này dài hơn 200 m, kinh phí thực hiện lên đến 200 triệu đồng nhưng chỉ có 8 hộ dân sinh sống. Không thể để 8 hộ nông dân oằn lưng gánh khoản kinh phí trên, cũng không cam tâm để đoạn đường này mang bộ mặt “lạc loài”. Ban vận động giao thông nông thôn ấp 2 đã đề ra phương án cộng đồng trách nhiệm, vận động tất cả các hộ trong ấp chia sẻ khó khăn. Đồng thời, vận động thêm các doanh nghiệp, các chủ cơ sở kinh doanh trên địa bàn cùng đóng góp. Phương án trên được người dân trong ấp đồng thuận và hưởng ứng. Kết quả là mỗi hộ chỉ phải đóng góp 800 ngàn đồng và đoạn đường được thi công xong chỉ trong vòng 20 ngày”, ông Phạm Văn Bân, Trưởng ấp 2, xã Quê Mỹ Thạnh kể lại. Đoạn đường bê tông Chín Dư - Ba Trầm hoàn thành vào những ngày cuối cùng của năm 2014, đánh dấu sự thành công của đề án bê tông hóa giao thông nông thôn ở Quê Mỹ Thạnh. Trước đó, năm 2013 xã Quê Mỹ Thạnh đã được Bộ Giao thông Vận tải tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc phát triển giao thông nông thôn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quê Mỹ Thạnh, thành công của đề án bê tông hóa giao thông nông thôn ở Quê Mỹ Thạnh đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển kinh tế. Đạt được kết quả trên, công sức và đóng góp của người dân là không hề nhỏ. Trong 6 năm thực hiện đề án, nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 4,6 tỉ đồng tiền mặt, hàng ngàn mét vuông đất và hàng ngàn ngày công lao động. “Khi bắt đầu triển khai đề án, việc đầu tiên cần làm là tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích cũng như trách nhiệm của mình trong việc xây dựng giao thông nông thôn; Đảng viên và những người có uy tín trong cộng đồng cần phải gương mẫu thực hiện trước. Trong quá trình thực hiện, luôn đề cao tính dân chủ, công khai, minh bạch; để người dân quyết định, bàn bạc, giám sát và quản lý nguồn vốn họ đóng góp. Đó là điều kiện để tạo được niềm tin trong nhân dân, đồng thời là cơ sở để Quê Mỹ Thạnh hoàn thiện các tiêu chí còn lại, phấn đấu về đích xã nông thôn mới trong năm 2015”, ông Thuận cũng chia sẻ thêm.
Quê Mỹ Thạnh là một trong những điểm sáng, góp phần đem lại thành công cho đề án bê tông hóa giao thông nông thôn của toàn huyện Tân Trụ. Trong giai đoạn 2007 - 2014, huyện Tân Trụ đã triển khai thi công được 287 công trình với tổng chiều dài hơn 168 km (chỉ tiêu đề ra 100 km), theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó, nhân dân đóng góp 34,5 tỉ đồng và hàng trăm ngàn mét vuông đất cùng hàng ngàn ngày công lao động. Nhờ sự chung tay góp sức của người dân, Tân Trụ trở thành địa phương dẫn đầu trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn ở Long An và được nhiều địa phương khác tới tham quan, học tập.
Bài và ảnh: Xuân Anh - Anh Đức